Có gì đặc biệt bên trong mẫu hạm hiện đại nhất trên thế giới trị giá 13 tỉ đô Mỹ sắp hạ thủy?

19-07-2017 21:40:04

Tàu sân bay USS Gerald Ford, tàu lớp Ford đầu tiên của Mỹ, có trị giá 13 tỉ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào ngày 22/7 sau 8 năm chế tạo và thử nghiệm.

Hải quân Mỹ sẽ chính thức sử dụng tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford vào ngày 22/7 tới. Đây được giới thiệu là tương lai của lực lượng hải quân và sẽ trang bị hiện đại nhất trong số các hàng không mẫu hạm hiện có.

Phóng viên tạp chí National Interest của Mỹ đã được tới thăm con tàu này trước khi nó chính thức hạ thủy. Tại cảng hải quân Norfolk, tàu USS Gerald Ford vẫn thể hiện được sự ấn tượng của mình khi đứng cạnh những người tiền nhiệm “cỡ khủng” như tàu sân bay USS George Washington hay tàu USS Eisenhower.

Tàu sân bay Mỹ USS Gerald Ford. Ảnh: Reuters

Tàu USS Gerald Ford mới tinh với lớp sơn màu vàng nhẹ bên ngoài mỏ neo. Một tấm phù hiệu danh dự báo hiệu con tàu này có số lượng thủy thủ nhiều kỉ lục. Để lên khoang tàu, phóng viên Dave Majumdar sử dụng thang cuốn. Tàu chiến lớp Nimitz mới này chỉ có hai khoang chứa máy bay, phù hợp hơn cho việc bảo trì.

Khi Dave bước vào trong tàu, điều ông ấn tượng nhất chính là dàn lạnh cực mát. Tàu USS Gerald Ford có thể sản sinh 9.900 tấn không khí mát giúp đảm bảo điều kiện tốt nhất cho trang thiết bị trong tàu cũng như các thủy thủ làm việc trong tình trạng ẩm ướt. Một điểm khác biệt quan trọng nhất của tàu chiến này là khả năng vận hành đáng tin cậy và ít phải sửa chữa. Theo tính toán, mỗi 12 năm tàu mới phải vào cảng đại tu một lần.

Hệ thống hỗ trợ cất cánh và hạ cánh từ tính, thiết bị neo máy bay cũng đã được lắp đặt trên tàu Gerald Ford. Thiết kế của tàu cũng có nhiều thay đổi: boong tàu sân bay lớn hơn so với các mẫu tàu trước đây, tháp điều khiển và chỉ huy cũng được đặt ở vị trí thuận lợi hơn để thuận tiện cho việc quan sát. Các hệ thống này được cho là có thể giúp tàu Ford có thể triển khai nhiều hơn gấp 1,3 lần so với các tàu sân bay trước đây.

Các sĩ quan trên tàu cho biết họ tự tin vào khả năng của công nghệ mới trên tàu sân bay Ford. Ảnh: AP

“Tàu càng có thể thả được nhiều bom xuống mục tiêu đã định thì càng lợi hại”, Đại tá Rick McCormack cho biết. Ông Gaut nói thêm: “Chúng tôi luôn luôn cố gắng đi trước đối thủ của mình một bước và tôi tin rằng với con tàu này chúng tôi đã làm được điều đó”.

Hải quân Mỹ hiện có trong tay 10 tàu sân bay kể từ khi tàu USS Enterprise bị ngừng hoạt động vào năm 2012, ít hơn 1 tàu so với mức 11 mẫu hạm mà Quốc hội Mỹ đã yêu cầu lực lượng này phải có.

30 giờ băng đại dương ném bom IS của máy bay tàng hình B2 Mỹ

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //