Nghiện nước ngọt có ga, chuyên gia cảnh báo nguy hiểm 'chết người'
Nước ngọt có ga là một trong những đồ uống yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, loại đồ uống này tiểm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Nước ngọt có ga có rất nhiều tác hại với trẻ em tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức được
Nước ngọt có ga là một trong những đồ uống yêu thích của nhiều người, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, trao đổi với PV Đời sống Plus, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, nước ngọt có gas không phải là một dạng đồ uống được khuyến khích sử dụng nhiều vì những hạn chế về mặt sức khoẻ, đặc biệt là đối với trẻ em.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hôi Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng
"Nước ngọt có ga chứa một lượng caffein nhất định. Với những người bình thường và chỉ uống vừa phải, lượng caffein này sẽ có tác động tích cực, giúp tinh thần tỉnh táo và nhiều năng lượng hơn. Nhưng với những người nhạy cảm với caffein, trẻ nhỏ hoặc trong trường hợp tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có ga chứa caffein, nó có thể gây ra trạng thái kích thích hệ thần kinh trung ương"- TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn, tiêu thụ quá nhiều caffein có thể gây ra các tình trạng: bồn chồn lo lắng, đau bụng, đau đầu, khó tập trung, khó ngủ, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mất nước...
Ngoài ra, theo TS.BS Sơn, phần lớn nước ngọt có ga có thành phần đường và axit tương đối cao. Trung bình một lon nước ngọt có chứa khoảng 39g đường (tương đương 9,75 thìa cà phê đường). Tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có ga cùng một lúc sẽ làm tăng lượng đường máu, lâu dài sẽ làm tăng tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, nước ngọt có ga thường có chứa calo rỗng (calo không chứa dinh dưỡng). Trẻ nhỏ uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể sẽ dẫn đến thừa năng lượng, béo phì.
"Những trẻ uống nhiều nước ngọt có ga cũng là những trẻ thường có xu hướng ít uống các loại đồ uống có lợi cho sức khỏe (ví dụ sữa, nước trái cây), nên sẽ có xu hướng bị thiếu vitamin và các chất khoáng có trong những loại đồ uống có lợi này.
Lượng đường cùng với lượng axit cao trong nước ngọt có ga có thể sẽ gây tổn thương men răng, có thể dẫn đến sâu răng nếu sau khi uống nước ngọt không vệ sinh răng miệng sạch sẽ"- TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Để tránh tình trạng này, TS Sơn khuyên mọi người nếu có uống nước ngọt có ga trong bữa ăn thì sau đó nên súc miệng sạch với nước lọc. Uống quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa phosphor, gây ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các khoáng chất khác của cơ thể như sắt, canxi, magie và kẽm... thậm chí có thể gây ngộ độc, dẫn đến tiêu chảy, xơ cứng các cơ quan và mô mềm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 46/CT-TTg, ngày 21/12/2017 về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới. Trong đó có nội dung: “Không kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga trong trường học". Cụ thể, nội dung Chỉ thị như sau: 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo: a) Tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh trong trường học vì mục đích phát triển trẻ thơ toàn diện; b) Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là cho nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì; c) Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường, tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh; không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học; d) Tăng cường phối hợp với ngành y tế để theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học. |