Chuyên gia Nhi khoa lên tiếng về 'virus lây bệnh cho trẻ qua những... nụ hôn'
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin đang có dịch nhiễm vi rút RSV - loại vi rút này hiện nay chưa có thuốc chữa đặc trị hữu hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý...
Thông tin lan truyền về bệnh này còn cảnh báo: "Các mẹ đang nuôi con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, ở thời điểm giao mùa này nguy cơ lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp rất cao, nên hạn chế cho con đến những nơi công cộng, nơi đông người, tránh khói thuốc lá, khói than củi, khói bụi, và đặc biệt là KHÔNG CHO BẤT CỨ AI HÔN CON CỦA MÌNH".
Thông tin này khiến nhiều cha mẹ quan tâm và lo lắng. Đem những băn khoăn này trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, ông cho biết, RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới hai tuổi. Bệnh phát triển mạnh hơn vào mùa đông - xuân.
Trẻ nhiễm RSV thường có triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị vi rút tấn công.
Chủng virus này có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa), nặng hơn là dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, RSV gần như không xuất hiện ở người lớn, cho nên việc lây truyền căn bệnh này qua những nụ hôn là rất khó xảy ra. Cha mẹ không nên quá lo lắng.
"Chỉ với những người đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tay chân miệng... thì nên hạn chế có những tiếp xúc gần với người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ. Cha mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nhiễm cúm, không đến khu vực đông người" - PGS. Dũng tư vấn.
Các bác sĩ cũng cho biết, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ôxy…
Cha mẹ đặc biệt lưu ý không được tự mua thuốc cho con uống mà phải tới các cơ sở y tế để thăm khám chính xác để được bác sĩ chỉ định thuốc hợp lý.