Chủ tịch làng nghề lụa Vạn Phúc: “Khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác là việc làm phi đạo đức”
Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa truyền thống Vạn Phúc, việc khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác là việc làm phi đạo đức trong kinh doanh, lừa dối khách hàng.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho rằng khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác là việc làm phi đạo đức
“Tôi bán hàng toàn lấy hàng thủ công trong làng”
Liên quan đến vụ lùm xùm thương hiệu Khaisilk khi khách hàng tố có tới 2 nhãn mác của thương hiệu này. Một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam", bên cạnh đó khách hàng còn phát hiện dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.
Sau đó, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ thương hiệu Khaisilk, đã thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc suốt 30 năm, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Đồng thời cũng cho biết, ở Việt Nam ngay cả làng lụa truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông) cũng có nhập hàng từ Trung Quốc mà rất khó phân biệt.
Trước những thông tin trên, chiều 26/10, PV Đời sống Plus đã có mặt tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) để ghi nhận ý kiến của các gia đình sản xuất lụa, hầu hết các hộ sản xuất lụa truyền thống đều bức xúc trước thông tin của chủ thương hiệu khăn lụa Khaisilk.
Ông Phạm Khắc Hà (Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc)
Hộ sản xuất lụa Văn Mão cho biết: “Từ trước đến nay gia đình tôi đều tự sản xuất lụa và trao đổi với các làng nghề với nhau chứ không nhập hàng từ Trung Quốc. Dĩ nhiên một xưởng sản xuất không thể tự làm hết tất cả các khâu được mà phải có sự hỗ trợ của các làng nghề khác để mặt hàng được đa dạng”.
Xưởng sản xuất của bà Mão.
Theo bà Mão, Vạn Phúc chỉ dệt vải, chứ không nuôi được tằm, nên phải liên kết với nơi nuôi tằm để lấy tơ về dệt vải. Nhìn chung là sự liên kết trong các làng nghề là có, nhưng đó đều là những làng nghề truyền thống chứ không có chuyện “đánh tráo” thương hiệu”,
Còn bà Nguyễn Thị Thoa (56 tuổi), người kinh doanh mặt hàng lụa lâu năm cho biết: “Tôi bán hàng toàn lấy từ các xưởng sản xuất thủ công ở trong làng chứ không phải lấy hàng Trung Quốc, nếu nói tôi lấy hàng Trung Quốc là bịa đặt “.
Bà Thoa, chủ cửa hàng lụa Vạn Phúc.
Theo bà Thoa, hành vi cắt mác của Trung Quốc dán mác của Việt Nam vào rồi bán giá “cắt cổ” là việc làm không thể chấp nhận được.
Hoán đổi nhãn mác là phi đạo đức, lừa dối khách hàng
“Làm ăn như vậy là gian lận, sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu lụa Việt Nam. Đặc biệt còn xúc phạm tới những nghệ nhân tâm huyết dành cả đời để cống hiến với làng nghề lụa truyền thống”, bà Thoa chia sẻ.
Chủ tịch làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết việc hoán đổi nhãn mác là việc làm phi đạo đức.
Trao đổi với PV, ông Phạm Khắc Hà (Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc) cho biết, thông tin cho rằng làng lụa Vạn Phúc nhập hàng từ Trung Quốc là không đúng. Mặc dù bán hàng cũng có những sản phẩm của các địa khác nhưng ở đây chủ yếu vẫn bán các mặt hàng của Vạn Phúc sản xuất.
Nói về việc lụa Khaisilk mua hàng Trung Quốc về gắn mác Việt nam, ông Hà cho hay: “Việc bỏ mác nước ngoài đi đưa mác Việt Nam vào tôi cho là việc làm này là phi đạo đức vì đây chính là hành vi lừa dối khách hàng, không trung thực. Ngay tại địa phương, chúng tôi, luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng”.
Ngoài ra ông Hà cũng cho biết thêm, để thành công được với những mặt hàng truyền thống như lụa thì trước hết phải tâm huyết với nghề, phải trung thực với sản phẩm mà mình làm ra và phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng về sản phẩm, cũng như lắng nghe ý kiến của khách hàng để làm sao có sản phẩm thủ công tốt nhất với khách hàng.
Một khách hàng đến mua đồ tại làng nghề Vạn Phúc cho biết: “Việc làm của thương hiệu lụa Khaisilk là không thể chấp nhận được. Đó cũng là lý do tôi chọn đến lụa truyền thống ở Vạn Phúc để mua hàng”.