Chiêu đối phó khi bị CSGT đo độ cồn: Không khả thi

10-01-2020 08:52:22

Trước việc CSGT xử lý nghiêm những trường hợp uống rượu bia khi lái xe, nhiều người chia sẻ những chiêu để đối phó với CSGT.


Kiểm tra nồng độ cồn ở Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: VNE.

Thời gian qua trên mạng xôn xao thông tin uống sản phẩm để khử mùi bia rượu và giảm nồng độ cồn trong máu giúp bạn tỉnh táo...

Trao đổi với PV, Bác sĩ Lê Ngọc Trọng khẳng định những thuốc bán trên thị trường không có tác dụng để giảm nồng độ cồn trong máu về 0.

Bác sĩ Lê Ngọc Trọng nói: "Trên thị trường xuất hiện hai loại thuốc giải rượu đó là thuốc đông y và tây y. Để trung hòa được rượu thì thuốc giải rượu có tác dụng rất ít, chỉ được một phần nào thôi.

Hơn nữa thuốc chỉ có tác dụng trung hòa được rượu khi rượu đang ở trong dạ dày, trước khi ngấm vào máu. Tuy nhiên khi uống rượu, rượu đã hấp thụ vào một phần niêm mạc của miệng, khi đó nồng độ cồn thải qua hơi thở là chính".

Để đối phó với việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn, một số dân mạng chia sẻ cách đối phó. Anh H.T chia sẻ: "Để tránh CSGT kiểm tra, chạy chậm dồn xe phía sau tạo đoạn đường dài 1-2 km đoạn thổi kèn, vọt xe tốc độ 60-80km/h rồi cho người bạn ngồi cùng nói xe mất thắng né, vậy là đã thông được chốt thổi".

Ngoài cách trên, anh Đ.H.H đăng bài trên một diễn đàn lớn về nội dung yêu quyết khi phải thổi nồng độ cồn. Theo đó anh H viết: "Trước khi  bị kiểm tra phải yêu cầu CSGT thổi trước, mục đích là để kiểm tra độ chính xác của máy. Nếu kết quả khác 0 thì chúng ta hoàn toàn có quyền từ chối kiểm tra.

Tới lượt bạn, hãy dùng lông gà (hoặc lông gì cũng được) ngoáy mũi để hắt hơi khoảng 30 cái, sau đó hít thở sâu 10 cái. Mục đích của việc làm này là làm sạch phổi, nơi có thể đang lưu cữu mùi hồng xiêm, vải, mít, sầu riêng, nho...những mùi có nguy cơ làm máy đọc nhầm'.

Trước những cách đối phó trên, bác sĩ Lê Ngọc Trọng cho rằng khó khả thi bởi dù có hắt xì hơi thì nồng độ cồn vẫn trong máu. Nồng độ cồn thải qua hơi thở là chính, ít nhất phải mất 24 tiếng mới hết được nồng độ cồn. Việc dùng thuốc giải rượu bia chủ yếu dùng trong trường hợp phải đi tiếp khách, uống giải rượu bia sẽ kéo dài thời gian để đỡ say hơn khi phải uống thêm vài chén.

Bên cạnh những người tìm cách đối phó với việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn thì nhiều người khuyến khích cách xử lý nghiêm của CSGT.

Anh Nguyễn Đình Dũng (Cầu Diễn, Hà Nội) nói: "Quan điểm của tôi là đã say rượu hay uống rượu bia là không lái xe, có thể thuê xe hoặc nhờ người nhà đến đưa về. Tôi không có ý định lách luật, chỉ có ý kiến nếu bắt được CSGT nào nhận hối lộ thì nên đuổi việc luôn chứ không nên rút kinh nghiệm.

Luật giao thông hơi vô lý khi áp dụng luật với dân thường thì rất nghiên nhưng cán bộ thì rất nhiều lần rút kinh nghiệm, người dân chúng tôi thấy mệt mỏi khi lần nào cũng nghe câu 'cán bộ rút kinh nghiệm".

Thanh Thanh
Theo Đất Việt //