Chặn ô tô kém chất lượng tràn vào Việt Nam
Để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, không ít trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu đã gian lận, lừa đảo thương mại qua giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Nhiều người lo ngại tình trạng làm giả giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, khai tăng hàm lượng tỉ lệ nội địa hóa trong khu vực ASEAN nhằm được hưởng ưu đãi thuế ô tô. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng và những người kinh doanh chân chính.
Khai gian tỉ lệ nội địa hóa
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN. Qua đó nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại.
Đặc biệt, trước làn sóng ô tô ngoại đang ồ ạt nhập về Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước đó, tại cuộc họp với Bộ Công Thương, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan nêu thực tế: Để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt (trong đó bao gồm cả ô tô), không ít trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu đã gian lận, lừa đảo thương mại qua giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Đáng lo ngại là hiện tượng này ngày càng tinh vi và phức tạp.
Chính vì vậy, theo vị đại diện ngành hải quan, tính đến nay Việt Nam đã đề nghị hải quan các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc hỗ trợ xác minh gần 2.000 C/O. Thư đề nghị hỗ trợ xác minh của Việt Nam tập trung vào chữ ký hợp lệ của người có thẩm quyền cấp C/O; nghi ngờ về con dấu hợp lệ trên C/O…
Sở dĩ có đề nghị trên vì có hiện tượng các doanh nghiệp trong nước đã móc nối với doanh nghiệp nước xuất khẩu làm giả chứng từ hoặc khai tăng hàm lượng tỉ lệ nội địa ASEAN nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nhận định trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô việc gian lận thuế, khai gian thông tin để hưởng thuế ưu đãi luôn xảy ra. Đặc biệt là khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm từ 40% xuống mức còn 30% hiện nay và về 0% từ năm 2018.
“Cụ thể, để hưởng mức thuế nhập khẩu 0% vào năm tới chắc chắn có chuyện một số nước xuất khẩu ô tô chứng nhận bừa về giấy chứng nhận xuất xứ, hợp thức hóa tỉ lệ nội địa hóa 40% (tỉ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên mới được hưởng thuế ưu đãi) trên giấy tờ để xuất khẩu sang Việt Nam miễn thuế. Nếu để các đơn vị nhập khẩu của Việt Nam bắt tay với các công ty xuất khẩu ô tô nước ngoài khai giá trị thấp để trốn thuế thì chắc chắn sản xuất, lắp ráp trong nước khó mà cạnh tranh nổi” - ông Dương nhấn mạnh.
Ô tô nhập khẩu trong khu vực ASEAN đang tràn vào Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm mua ô tô.
Xây dựng ngay hàng rào kỹ thuật
Để chống gian lận thương mại trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, cho rằng Bộ KH&CN cần sớm đưa ra hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn nội địa hóa. Từ đó mới có thể xác thực được đúng tỉ lệ nội địa hóa trong khu vực ASEAN trên 40% và mới được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu.
Chẳng hạn một chiếc ô tô được chia làm bốn bộ phận gồm khung sườn, động cơ, nội thất và hộp số + hệ truyền động. Trong đó Việt Nam chỉ cần quy định hộp số phải đạt được nội địa hóa ASEAN hoàn toàn thì mới công nhận chiếc xe đó đạt tỉ lệ nội địa hóa ASEAN 40%.
“Tuy nhiên, có thể quy định đối với khung sườn dễ làm thì chỉ số nội địa hóa tính thấp, còn những bộ phận khó sản xuất như động cơ, hộp số… thì phải nâng cao chỉ số nội địa hóa lên” - ông Trung đề xuất.
Tương tự, PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, cho biết hiện nay mức thuế nhập khẩu linh kiện khoảng 18%, trong khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN chỉ 30%, đến năm tới về 0%. Vì vậy cần nghiên cứu điều chỉnh thuế theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm, không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại, theo lộ trình phải thực hiện. Việt Nam không thể đơn phương ngăn chặn, cấm nhập khẩu hoặc có các biện pháp mang tính phân biệt đối xử đối với hàng hóa của một quốc gia khác. Song cần hoàn thiện hệ thống hàng rào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ô tô. Đồng thời quản lý chặt hoạt động nhập khẩu qua các cửa khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý đối với ô tô kém chất lượng.