Cảnh báo những nghề nghiệp dễ mắc bệnh trầm cảm
Theo các chuyên gia, khi người không cảm thấy hứng thú hay có động lực để tham gia các hoạt động mang tính giải trí mà có xu hướng thu mình lại, cô lập và ít hòa đồng với bạn bè, hãy coi chừng đó là dấu hiệu trầm cảm.
Biểu hiện của người mắc trầm cảm
Theo Vietnamnet, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới có gần 300 triệu người mắc trầm cảm. Trong đó Nhật Bản có khoảng 3% dân số, con số này tại Mỹ là 17%.
Tại Việt Nam, WHO ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số (số liệu 2015). Trong đó có khoảng 5.000 người chết vì tự tử do người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Trong đó phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18-45, tỉ lệ ở phụ nữ lớn gấp đôi nam giới. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, trầm cảm sẽ được chữa khỏi.
TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết thêm, những dấu hiệu biểu hiện của trầm cảm thường là buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, mệt mỏi, đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, đau khớp… Đặc biệt, những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm hiện nay tăng cao thường là những người làm việc toàn thời gian hơn là những người chỉ làm một phần thời gian trong ngày.
Dưới đây là những danh sách ngành nghề dễ mắc bệnh trầm cảm nhất cần phải lưu ý:
Khi công việc và cuộc sống căng thẳng triền miên, bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Ảnh minh họa
Điều dưỡng tại nhà/nhân viên chăm sóc trẻ
Christopher Willard - Nhà tâm lý học tại Đại học Tufts (Mỹ) nói rằng, những người làm công việc này mỗi ngày đều phải thực hiện những công đoạn đã định sẵn từ trước bao gồm: Cho ăn, tắm rửa và chăm sóc cho những người không thể bày tỏ lòng biết ơn bởi vì họ quá ốm hoặc quá trẻ (trẻ nhỏ), theo báo Giáo dục Việt Nam.
Đôi khi họ phải đối diện với những vấn đề phát sinh và phải tự xử lý, ví dụ như những phản ứng thái quá của người bệnh và người chăm sóc phải tìm cách xoa dịu, hoặc là những vấn đề bất ngờ xảy ra khi chăm sóc trẻ nhỏ. Hoặc cũng có khi công việc và cuộc sống căng thẳng triền miên.
Nhân viên dịch vụ ăn uống
Xếp hạng ngay dưới các nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp là những người đang phục vụ ăn uống tại các nhà hàng. Họ được trả lương thấp trong khi vẫn phải làm nhiều việc mỗi ngày, thậm chí có những trường hợp còn không nhận được sự tôn trọng của người chủ nhà hàng hoặc khách hàng.
Nhân viên xã hội
Có lẽ không phải là một điều ngạc nhiên lớn khi tìm các nhân viên xã hội được xếp vào nhóm đứng đầu trong danh sách này. Họ phải căng sức để giải quyết, ngăn chặn vấn đề trẻ em bị lạm dụng, hoặc các cuộc khủng hoảng của nhiều gia đình.
Nhân viên y tế
Họ bao gồm cả bác sĩ, y tá, các chuyên gia trị liệu… họ đối diện với vấn đề sức khỏe của bệnh nhân từng ngày, từng giờ và luôn phải căng sức làm việc, thậm chí họ chẳng có thời gian để giao lưu với thế giới bên ngoài, cũng không có thời gian cho bản thân mình. Hàng ngày họ nhìn thấy bệnh tật, chấn thương, tử vong và còn phải tiếp xúc với các thành viên trong gia đình bệnh nhân.
Nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà văn
Những công việc này có thể mang lại cho họ những khoản thu nhập lớn bởi tính sáng tạo cao của công việc, nhưng ở chiều ngược lại thì họ cũng phải đối diện với nguy cơ bị rối loạn tâm trạng cao hơn, nhiều người phải có sự trợ giúp của chuyên gia trị liệu sức khỏe.
Một trong những dấu hiệu của trầm cảm là thu mình lại với thế giới xung quanh. Ảnh minh họa
Giáo viên
Giáo viên cũng là một nghề phải chịu nhiều áp lực, bởi vì họ dường như phải làm việc ngay cả khi ở nhà, ngay cả vào ngày nghỉ và luôn có những vấn đề phát sinh khiến đời sống riêng tư của họ bị ảnh hưởng.
Nhà tâm lý Christopher Willard cho biết: “Có rất nhiều áp lực đến từ nhiều phía khi mà những đứa trẻ luôn phải cố gắng để có kết quả học tập tốt hơn và cha mẹ chúng thì luôn muốn nhà trường có những tiêu chuẩn tốt hơn, đó là chưa kể nhiều yêu cầu phát sinh khác không liên quan trực tiếp tới chuyên môn”.
Điều này có thể gây khó khăn cho giáo viên khiến họ không thể tập trung tốt nhất cho việc giảng dạy và tình trạng này thì thường xuyên diễn ra khiến cho họ liên tục bị căng thẳng.
Nhân viên hỗ trợ hành chính
Đây là một công việc phải chịu khá nhiều áp lực bởi vì nhu cầu của mỗi người khác nhau, do đó tùy vào nhu cầu, tùy vào tình huống để nhân viên hỗ trợ hành chính xử lý công việc. Tuy nhiên, những người làm công việc này lại không mấy khi được ghi nhận, nhưng nếu như họ mắc sai xót thì rất có thể phải hứng chịu những phàn nàn từ người cần hỗ trợ.
Cố vấn tài chính và kế toán
Đây là công việc phải chịu rất nhiều áp lực, bởi vì để làm được công việc này bạn không chỉ giỏi về tài chính mà còn phải rất am hiểu luật pháp, cói đôi lúc bạn phải sắm cả vai bác sĩ tâm lý. Nếu khách hàng không hài lòng với tư vấn của bạn có nghĩa là bạn thất bại thảm hại rồi đấy và chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đợi bạn cả.