Căn cứ nào xử phạt người dân ra ngoài với lý do không chính đáng?
Ngày 10/4, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản tham mưu về vấn đề này.
Lực lượng chức năng quận 3, TPHCM lập biên bản xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định trong thời gian cách ly toàn xã hội (ảnh: Phạm Nguyễn)
Căn cứ vào quy định về áp dụng biện pháp chống dịch theo Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế... Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP giao Sở Tư pháp tham mưu đề xuất xử lý đối với hành vi ‘ra ngoài không có lý do chính đáng’.
Theo Sở Tư pháp thông tin, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể xử phạt về hành vi ra ngoài đường không có lý do chính đáng. Nhưng việc xử phạt có căn cứ, bởi người dân ra ngoài không có lý do chính đáng/cần thiết trong thời gian cách ly xã hội.
Ngày 10/4, theo Sở Tư pháp TP.HCM, vừa qua một số địa phương cũng đã tiến hành xử phạt khi người dân ra ngoài không có lý do chính đáng hoặc lý do cần thiết.
Sở Tư pháp nêu ra một số trường hợp báo chí đưa tin như ngày 5/4. Tại TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 5 cá nhân ra đường không lý do cần thiết, mỗi người bị phạt 200.000 đồng.
Thiếu tá Phạm Trung Khánh Tùng - Trưởng Công an phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) thông tin trên báo Giao thông, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt 28 trường hợp ra ngoài không lý do chính đáng tại chung cư cao cấp Times City thuộc địa bàn phường quản lý ngày 10/4.
Theo đó, những người này vi phạm điều 11, khoản A của Nghị định số 176/NĐ/2013 CP, đó là 'Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc dịch theo hướng dẫn của của cơ quan y tế'. Những người này không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc dịch theo hướng dẫn của của cơ quan y tế. Mỗi cá nhân vi phạm bị phạt 200.000 đồng theo quy định.
Không chỉ có TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hải Phòng vừa có kết luận về hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào Hải Phòng. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, các phương tiện không có lý do cấp thiết không được ra, vào thành phố.
Theo thông tin trên VOV, từ hôm nay (2/4), các chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra và vào thành phố Hải Phòng tập trung nhân lực kiểm tra, kiểm soát đối với các phương tiện vận tải hành khách và người trên xe 4 chỗ ngồi trở lên, để xác định phương tiện được phép ra, vào thành phố.
Đối với chốt kiểm soát hướng vào Hải Phòng, chỉ những xe chở người thi hành công vụ, xe hợp đồng đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp mới được phép vào Hải Phòng; các trường hợp còn lại đề nghị chủ phương tiện quay trở lại. Những xe được phép vào thành phố phải thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách và người trên xe.
Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền liên tục tăng cường kiểm tra
Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; b) Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch. 3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này. 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. 5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A. 6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. 7. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước; c) Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều này. |