Cần có Luật Biểu tình để phân tách người kích động, quá khích

11-06-2018 18:24:00

"Nếu có luật người dân được bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ và chúng ta có thể điều chỉnh được những người quá khích", đại biểu Dương Trung Quốc nói.


Cần có Luật Biểu tình để phân tách người kích động, quá khích

Sau vụ người dân quá khích ở Bình Thuận, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng cần sớm có Luật Biểu tình để người dân có điều kiện bày tỏ chính kiến đúng nơi, đúng mức độ.

Sau việc người dân Bình Thuận lấy cớ phản ứng với dự án luật đặc khu có hành vi quá khích đập phá trụ sở công quyền, đại biểu Dương Trung Quốc nói đây là bài học lớn cho cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội khi xây dựng luật.

Theo ông Quốc, quyết định lùi thời gian thông qua luật đặc khu đáp ứng mong muốn của người dân. Là đại biểu Quốc hội, ông đã đóng góp rất nhiều ý kiến.

"Các ý kiến của tôi kể cả ý kiến phát biểu ở hội trường cũng như gửi thẳng cho lãnh đạo đều được tiếp nhận. Như vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta có được bộ luật nghiêm chỉnh, khắc phục những sai sót có thể xảy ra rủi ro mà mối quan tâm của nhân dân là xác đáng", ông nói.

"Tôi nghĩ nếu chúng ta có ý thức muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia thì mục tiêu cuối cùng đạt được là phải tìm được sự đồng thuận, tìm được sự nhất trí, sự đoàn kết. Chúng ta đoàn kết lại thì mới mạnh được. Đây là bài học lớn của cả cơ quan lập pháp trong đó có Quốc hội", ông Quốc chia sẻ.Bài học lớn trong việc này là trong quá trình xây dựng luật chưa lấy được hết ý kiến của nhân dân, đặc biệt là những tổ chức xã hội nghề nghiệp, chuyên gia. Điều đó tạo thành bức xúc không đáng có.

Với việc người dân Bình Thuận có hành vi quá khích, đập phá trụ sở công quyền, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ mong muốn về sự cần thiết phải có Luật Biểu tình. Nếu có luật, người dân được bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ và chúng ta có thể điều chỉnh được những người quá khích. Không ít người dân thành tâm tham gia, chứ không phải ai cũng có ác cảm.

"Điều chúng ta ghi trong Hiến pháp 70 năm nay rồi, sao chúng ta không triển khai? Chính Luật Biểu tình giúp ta điều chỉnh việc đó, phân tách được đâu là người bức xúc, là quyền người dân, đâu là người lợi dụng để kích động", ông khẳng định.

Chia sẻ quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết việc thể hiện mong muốn, nguyện vọng là chính đáng nhưng hình thức không nên gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường. Sự việc hôm qua gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số địa bàn. Ví dụ ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay vì việc tụ tập...

"Qua sự việc này, chúng tôi cũng thấy là cần đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân thật hiệu quả để có thể đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri", bà nói.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, Luật Biểu tình đã được quan tâm qua việc xây dựng dự thảo nhưng do chất lượng không như mong muốn nên chưa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

"Đây là nhu cầu của người dân, cần đảm bảo thực hiện theo quy định của Hiến pháp đã nêu", bà Hải nói.


Xem thêm: Hàng nghìn công nhân tụ tập trước cổng khu công nghiệp ở Sài Gòn

Bá Chiêm - Thắng Quang
Tri thức trực tuyến //