Cách ly xã hội: Tâm lý người dân thay đổi theo ngày
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tâm lý người dân là đa phần ủng hộ cách ly xã hội song tâm lý này thay đổi theo ngày. Ngày công bố số ca bệnh nhiều thì tâm lý ủng hộ cách ly xã hội cao hơn so với ngày công bố ít ca.
Hình ảnh tại cuộc họp trực tuyến hôm nay.
Hôm nay 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra (Covid-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, cả nước đã thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Theo tổng kết của thế giới và Việt Nam, đây là biện pháp quan trọng để cùng các giải pháp khác giúp ngăn chặn dịch bệnh lây qua đường hô hấp.
Trong những ngày đầu, một số địa phương hiểu chưa đúng, chưa rõ Chỉ thị 16 nên đã có việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương khác nhau. Có địa phương áp dụng rất mạnh, đã gần như “ngăn sông cấm chợ”, nhưng có địa phương chưa biết cách làm. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, cách ly xã hội đã được thực hiện tốt.
“Trong những ngày đầu, cách ly xã hội được thực hiện nghiêm. Nhưng những ngày gần đây, khi các ca mắc Covid-19 thấp hơn nên một số địa phương người dân sinh ra tâm lý chủ quan và ra đường đông hơn so với những ngày đầu”, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Theo ông Long, qua ra soát và theo dõi, tâm lý người dân là đa phần ủng hộ cách ly xã hội. Song tâm lý này thay đổi theo ngày. Ngày công bố số ca bệnh nhiều hơn thì tâm lý ủng hộ cách ly xã hội cao hơn so với ngày công bố ít ca.
Bộ Y tế đã gửi văn bản đề nghị các tỉnh thành báo cáo đánh giá việc thực hiện ngày cách ly xã hội từ ngày 1-15/4, đồng thời kiến nghị các giải pháp. Theo trao đổi ý kiến với các địa phương, đa phần các địa phương ủng hộ cách ly xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
“Đa số các địa phương ủng hộ các biện pháp được triển khai trong thời gian cách ly xã hội. Có ý kiến cho rằng, thời gian áp dụng nên hài hòa, linh hoạt với từng địa phương, tùy theo mức độ nguy cơ, không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả. Nhưng tất cả đều nhất trí rằng, nếu nguy cơ lây nhiễm ở mức độ cao thì đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội”, ông Long cho hay.
Đường phố Hà Nội lại đông đúc trở lại chỉ sau vài ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Cũng phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nêu báo cáo đánh giá chung diễn biến tình hình dịch bệnh dựa trên thống kê truy vết, theo dõi và giám sát dữ liệu. Theo Thứ trưởng Duy, việc đeo khẩu trang đã giúp hạn chế rất nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Nêu ví dụ tại ổ dịch Công ty TNHH Trường Sinh tại Bệnh việc Bạch Mai, các ca mắc chủ yếu do tiếp xúc gần trong thời gian dài giữa các nhân viên công ty này. Trong khi, sự lây nhiễm là rất hạn chế với các khách hàng đến nhà ăn bệnh viện nơi Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ khi tất cả cùng đeo khẩu trang và thời gian tiếp xúc diễn ra nhanh. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng khẳng định hiệu quả của cách ly xã hội đã giúp giảm đáng kể hoạt động và di chuyển của người dân.
“Dự báo tình hình chung, dịch bệnh bắt đầu lây lan trong cộng đồng và không xác định được nguồn lây. Một số lượng không nhỏ không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt nhưng có khả năng lây truyền. Một số bộ phận người dân vẫn có tư tưởng chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội. Hiện chưa có miễn dịch cộng đồng, do đó, nếu không tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thì sẽ có nguy cơ bùng phát ổ dịch lớn. Trong thời gian tới, có thể xuất hiện những ca diễn biến nặng,nguy kịch do âm thầm lây nhiễm ở các trường hợp có bệnh nền và tuổi cao”, ông Duy cho biết.
Các chuyên gia, các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, giám sát dữ liệu đề xuất đưa vào sử dụng “Passport điện tử” (hộ chiếu điện tử-PV) để kiểm soát người đi lại, vừa hạn chế, vừa giúp quá trình truy vết và cách ly các trường hợp F1, F2. Đặc biệt, giám sát các ca giống như bệnh cúm và viêm phổi nặng thông qua các hiệu thuốc và khai báo y tế.
“Qua phân tích 99 ca lây nhiễm trong cộng đồng, rất nhiều trường hợp đã ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt để tự điều trị, do vậy rất khó để phát hiện. Đặc biệt, tại các địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm đối với một số khu vực và các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như tại các chợ đầu mối, các khu tập thể của người lao động…”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu.