Cà phê bằng bột pin con Ó được tiêu thụ tại thành phố lớn?

18-04-2018 07:13:48

“Bà Loan nói đã bán nhiều tấn nguyên liệu này cho một số người tại các thành phố lớn ở Đông Nam bộ", lãnh đạo xã Đắk Wer cho biết.

Pin Con Ó + bột đá + phế phẩm cà phê

Chiều 17/4, PV Tiền Phong đã đến cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer) để tận mắt chứng kiến hiện trường sản xuất nguyên liệu cà phê “siêu bẩn” tại đây. 

Nằm cách con đường nhựa liên xã phân cách xã Nhân Đạo và Đắk Wer khoảng 50m, cơ sở kinh doanh nông sản của bà Loan không hề có biển hiệu. Phía sau ngôi nhà xây cấp 4 nơi bà Loan sinh sống, có một kho xưởng rộng khoảng 100m2 với nhiều vật dụng nằm la liệt để sơ chế cà phê. 

Cối trộn hồ, bao tải, sàng cát… là những dụng cụ đơn giản để chủ nhân chế biến nguyên liệu cà phê. Còn những nguyên liệu để làm sản phẩm này có vỏ cà phê, pin con Ó, đá sỏi nhỏ… và rất nhiều tạp chất đen ngòm chưa được xác định.


Cối trộn hồ cơ sở bà Loan dùng để chế biến phế phẩm cà phê.

Trên nền xi măng kho xưởng, còn rất nhiều bãi vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ nằm vương vãi khắp nơi. Nhiều thùng đựng nước đen ngòm từ bột than của pin bốc ra mùi nồng nặc rất khó chịu. 

Thứ nước này đổ rải rác khắp nơi làm nền xi măng kho xưởng nhuốm màu đen kịt. Hàng trăm bao tải nhem nhuốc chứa nguyên liệu làm cà phê được chất đầy xung quanh tường. 

Các chiến sĩ Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phải đeo khẩu trang kín mít khi cân đếm, đưa tang vật lên xe đem về kiểm nghiệm. Nhìn sơ qua, đủ thấy việc sơ chế nguyên liệu cà phê của kho xưởng này cực kỳ bẩn.

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh Đắk Nông có mặt tại hiện trường cho biết: Hiện lực lượng cảnh sát môi trường đã đưa khoảng 15 tấn tang vật nguyên liệu cà phê về kiểm nghiệm, trong kho còn khoảng 10 tấn tang vật chưa được bốc lên xe. 

Khi công an tiến hành kiểm tra và bắt quả tang, có hai công nhân của cơ sở này đang đem bột đá, vỏ cà phê, phế phẩm cà phê bỏ vào cối trộn hồ pha trộn với nước bột pin.


Bà Loan chủ cơ sở chế biến.

Tiêu thụ tại thành phố lớn?

Tiếp tục hành trình điều tra cơ sở chế biến nguyên liệu cà phê bẩn của bà Loan, chúng tôi đã đến gặp ông Võ Ngọc Anh - Trưởng Công an xã Đắk Wer. Ông Anh là người có mặt tại hiện trường, đại diện cho UBND xã Đắk Wer báo tin cho PC49 Công an tỉnh Đắk Nông đến kiểm tra, bắt quả tang cơ sở kinh doanh nông sản của bà Loan. 

Ông Anh cho biết, các lực lượng đã theo dõi cơ sở của bà Loan gần một năm nay khi bà này thu mua vỏ và phế phẩm cà phê. Vào chiều tối 15/4, khi có tin báo cơ sở này đang chế biến nguyên liệu cà phê, ông đã báo cho PC49 Công an tỉnh đến bắt quả tang.

“Khi bị bắt quả tang, bà Loan cho biết đã bán nhiều tấn nguyên liệu này cho một số người tại các thành phố lớn ở Đông Nam bộ. Mỗi đợt pha trộn bằng cối trộn hồ có khoảng 6 - 8 tấn phế phẩm cà phê trộn cùng khoảng 24 viên pin cũ. 

Bà Loan chỉ xuất trình được giấy phép thu mua nông sản do Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện cấp, chứ không hề có giấy phép chế biến nông sản nào cả”, ông Anh cho hay. 

Theo giấy phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Loan sinh ngày 1/4/1975, hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer và chứng minh nhân dân mới được Công an tỉnh Đắk Nông cấp ngày 1/4/2016. 

Ngành nghề kinh doanh của bà Loan là thu mua nông sản, vốn kinh doanh 1 tỷ đồng và đăng kí kinh doanh lần đầu ngày 19/8/2016 (đăng kí thay đổi lần thứ 1 vào ngày 31/10/2017).


Nước pin dùng để nhuộm phế phẩm cà phê của cơ sở bà Loan.

Theo ông Võ Ngọc Anh, bà Loan chuyển hộ khẩu đến địa phương sinh sống vào ngày 11/1/2016, nơi sinh sống trước khi chuyển đến là xã Xuân Bình, thị xã Long Khánh, Đồng Nai. Khi mới chuyển đến, bà Loan chỉ sống một mình và không hề thu mua nông sản gì cả. 

Nhưng hiện nay, bà này đang sinh sống cùng một người đàn ông ở địa phương và có hai công nhân đang làm việc tại cơ sở này. “Cơ sở của bà Loan không thu mua nông sản và treo biển hiệu, vì thế xã cũng không kiểm tra kỹ làm gì? 

Trong lúc đó, cơ sở bà Loan đem phế phẩm cà phê tiêu thụ ở nơi khác nên tại xã cũng không có sản phẩm cà phê bột từ cơ sở này”, ông Anh trần tình. 

Nhưng một người dân sống gần đó (xin giấu tên) cho biết: “Gần đây, tôi thấy ngôi nhà của bà Loan thường xuyên có xe tải vào ra chở hàng và đông người qua lại, hoạt động có vẻ công khai chứ không giấu giếm hay sợ sệt gì cả. Khoảng 3 năm trước, bà này từng bị xử phạt vì làm hạt tiêu giả”.

Thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Khi cơ quan công an kiểm tra kho xưởng của bà Loan đã phát hiện có hàng chục tấn phế phẩm cà phê được nhuộm đen bằng bột pin con Ó. 

Tại hiện trường 2 chậu chứa cục pin (được đập vụn với khối lượng 35 kg), 1 xô chứa lõi pin đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg dùng để nhuộm đen phế phẩm cà phê. 

Bà Loan khai nhận, trong thời gian qua đã đến các đại lý thu mua các loại cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… từ các đại lý. Sau đó, bà này mua các cục pin về đập dẹp, dùng chất bột đen của pin hòa với nước tạo thành nước màu đen rồi nhuộm vào phế phẩm cà phê.

Trước câu hỏi của PV Tiền Phong có hay không dấu hiệu hình sự trong việc chế biến nguyên liệu cà phê bẩn của bà Loan, thượng tá Bình nói rằng: Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang phối hợp điều tra động cơ, mục đích đem trộn phế phẩm cà phê với nước pin, đá sỏi và cách thức tiêu thụ sản phẩm này của bà Loan. 

Sau khi có kết quả điều tra, cơ quan công an mới khẳng định được có hay không dấu hiệu hình sự trong vụ việc này? Hiện pháp luật cũng đã có đầy đủ quy định về xử lý việc sản xuất thực phẩm bẩn, vì thế khi có kết quả điều tra thì công an sẽ xử lý bà Loan theo quy định của pháp luật.

Cà phê lõi pin có thể gây mất trí nhớ

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, lõi pin con thỏ, pin con ó (gọi chung là pin khô) gồm một cục than chì ở giữa và bột mangan dioxit ép bao quanh cột than chì. 

Khi đập ra thì được bột mangan dioxit, chính là loại bột được phát hiện trộn với cà phê. Mangan dioxit là chất oxy hóa khử cao, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành ion Mangan 2+. 

Khi lượng chất này vào cơ thể vượt ngưỡng cho phép có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây ra các triệu chứng dễ nhận thấy như đau đầu, mất ngủ, nặng hơn chút nữa dẫn đến mất trí nhớ, nói ngọng, nói nhịu, nặng hơn nữa dẫn tới đi đứng không vững, chân tay run rẩy là giống như parkinson (biểu hiện đặc trưng là mất trí nhớ kèm chân tay run rẩy).

Theo PGS Côn, ngưỡng cho phép với nước ăn uống là 0,5mg/lít, với người lớn là 2mg/ngày.          

Nguyễn Hoài


Xem thêm: Từ vụ cà phê bị nhuộm bằng pin đen, học ngay 10 cách phân biệt cà phê thật giả

Lữ Hồ
Theo Tiền phong //