Bùng nổ tranh cãi sau quyết định phạt xe không chính chủ từ 2017
Dư luận đã có nhiều tranh cãi về quyết định của Cục CSGT liên quan đến việc từ tháng 1/ 2017 sẽ phạt xe không chính chủ.
Liên quan đến vấn đề gây tranh cãi phạt xe không chính chủ, Cục CSGT vừa chỉ đạo CSGT các địa phương vận động người dân trước 31/12 nên làm thủ tục sang tên môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ hoặc chứng từ không đầy đủ.
Từ ngày 1/1/2017, CSGT sẽ xử phạt xe không chính chủ trên cả nước
Với trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị không được để tồn, phải giải quyết trước ngày 1/1/2017. Lý do là bởi bắt đầu từ ngày 1/1/2017 người dân không sang tên, chính chủ thì sẽ áp dụng điều 30 nghị định 46, CSGT phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên.
Quy định phạt xe máy không chính chủ áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản”.
Ngay khi có thông tin về ngày bắt đầu áp dụng quy định phạt xe không chính chủ, nhiều người cảm thấy hoang mang bởi người sử dụng xe gắn máy có thể bị phạt bất cứ lúc nào nếu như sử dụng xe đi mượn, chồng đi xe của vợ (và ngược lại), con đi xe của bố mẹ kể từ ngày 1/1/2017.
Báo Đất Việt trích lời trình bày của một độc giả cho biết: Do hoàn cảnh nên thường xuyên phải mượn xe của bố mẹ vì bố mẹ ít khi đi xe. Nhưng nếu áp dụng quy định xử phạt xe máy không chính chủ, bố mẹ sẽ phải làm thủ tục “sang tên đổi chủ” cho con, nhưng lại nảy sinh vấn đề khi bố mẹ dùng chiếc xe ấy sẽ bị phạt.
Mức phạt xe máy không chính chủ thấp nhất sẽ là 100.000 đồng
Rõ ràng là, từ 1 chiếc xe máy có thể đi chung cả nhà, bây giờ muốn hợp pháp lại phải mỗi người 1 xe, trong khi ở thành phố hiện nay đang tiến tới hạn chế xe gắn máy nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.
Đồng quan điểm này, độc giả Phùng Đức bình luận trên báo VietNamNet rằng việc phạt xe máy không chính chủ từ 2017 rất khó đi vào thực tiễn cuộc sống. “Trường hợp chồng mượn xe của vợ, con mượn xe của bố mẹ, rồi mượn xe của anh em họ hàng, thậm chí mượn xe của bạn bè, hàng xóm thì sao” – người này băn khoăn.
Một số ý kiến khác thì lại tranh cãi về việc sẽ xử lý thế nào nếu là trường hợp người đi thuê xe máy trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, một độc giả trên báo VnExpress lại lo lắng hỏi: “Trường hợp người trong một gia đình dùng chung xe thì phải làm sao đây, không lẽ gia đình 5 người thì nhất thiết phải có 5 chiếc xe máy?”.
Trên thực tế, rất nhiều gia đình Việt Nam vì không đủ điều kiện mà các thành viên trong gia đình cùng dùng chung một chiếc xe gắn máy hoặc chấp nhận mua xe cũ không đủ giấy tờ. Mức phạt 100.000 đến 200.000 đồng lại là con số không nhỏ với phần đông các gia đình trong hoàn cảnh nói trên.
Hiện có nhiều ý kiến tranh cãi quanh quy định phạt xe không chính chủ từ 2017
Bên cạnh đó, rất nhiều người còn đánh giá quyết định xử phạt xe không chính chủ “gây khó” cho người dân bởi thời hạn quá ngắn, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016, liệu có còn đủ thời gian để họ chuyển đổi tên chủ sở hữu xe máy. Bao nhiêu thủ tục sẽ phải hoàn thành trong 1 thời gian gấp như vậy, dân sẽ phải vất vả.
Trước vấn đề này, một bạn đọc gợi ý: Ở một số nước họ không cần phạt xe không chính chủ mà vẫn có cách khác để buộc mọi người phải sang tên khi chuyển nhượng.
Ví dụ, người ta buộc các chủ phương tiện phải có tài khoản tương ứng với biển số đăng ký, khi người điều khiển phương tiện (bất kể là chủ sở hữu hay là người đi mượn) vi phạm luật giao thông thì việc phạt tiền cứ trừ vào tài khoản của chủ sở hữu phương tiện.
Đó cũng mới chỉ là một ý kiến, vậy theo bạn phải làm sao để có thể giải quyết bài toán khó về việc phạt xe không chính chủ một cách đúng lý hợp tình?