BOT cầu Đồng Nai: Ưu ái và giả dối!

24-03-2018 09:03:36

Trong khi Bộ Giao thông Vận tải ưu ái quá mức, cho phép chủ đầu tư dự án BOT cầu Đồng Nai thu phí từ xa ở Bình Thuận sớm gần 1 năm thì chủ đầu tư có hành vi gian dối, để ngoài sổ sách hàng trăm tỉ đồng.

Ngày 23-3, nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vừa ký văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến tránh hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP Biên Hòa theo hình thức hợp đồng BOT. Các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT và KTNN trước ngày 20-4.

"Lót đường" cho chủ đầu tư

Một trong những kết quả kiểm toán được KTNN "bóc mẽ" là số tiền hơn 176 tỉ đồng mà chủ đầu tư có được sau 5 năm 6 tháng thu phí từ trạm thu phí Sông Phan (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cách cầu Đồng Nai đến… 150 km nhưng lại không đưa vào sổ sách của phương án tài chính. Việc này làm tăng chi phí vốn đầu tư, tăng tỉ lệ chiết khấu dự án và là nguyên nhân làm tăng thời gian hoàn vốn của dự án.

Lật lại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới nhưng lại thu phí ở Bình Thuận, mới thấy quá nhiều điều phi lý đến mức khó hiểu. Từ việc ký hợp đồng BOT, đặt trạm thu phí từ xa, áp thời gian thu phí…, Bộ GTVT và chủ đầu tư BOT đã tính toán hết sức chi li nhằm qua mặt nhiều cơ quan chức năng.

Cụ thể, ngày 16-5-2008, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT xây cầu Đồng Nai với Tổng Công ty Xây dựng số 1, trong đó thỏa thuận chủ đầu tư được thu phí tại trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận), nằm cách vị trí dự án đến 150 km. Ngày 7-6-2008, cầu Đồng Nai được khởi công, dự kiến cuối năm 2009 mới thông xe, đóng barie thu phí. Thế nhưng 4 tháng sau, ngày 31-10-2008, ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đã ký văn bản yêu cầu Khu Quản lý Đường bộ 7 bàn giao Trạm thu phí Sông Phan cho BOT cầu Đồng Nai thu phí, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-1-2009. Toàn bộ những thỏa thuận và hàng loạt văn bản "lót đường" này đều thực hiện trước khi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính có ý kiến.

Điều phi lý tiếp theo là khi triển khai thu phí tại đây, Bộ GTVT và chủ đầu tư không hề thông báo cho Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận biết. Đến lúc trạm thu phí này bị người dân Bình Thuận phản đối quyết liệt vì đặt sai chỗ thì Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra giải thích: Nếu đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án ở hai đầu cầu Đồng Nai sẽ gây ùn tắc giao thông do phương tiện giao thông đi qua khu vực này rất lớn. Ngoài ra, khu vực này đã có quá nhiều trạm thu phí như Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ (QL) 51, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, trạm thu phí cầu Hóa An trên QL 1K, trạm thu phí Tỉnh lộ 743 do tỉnh Bình Dương quản lý... Các trạm thu phí này chỉ cách cầu Đồng Nai 10-15 km và không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 km theo quy định. Vì vậy, phương án tốt nhất là chọn Trạm thu phí Sông Phan, dù cách công trình BOT cầu Đồng Nai 150 km.

Cục này còn lập luận phải cho thu phí sớm mới có khả năng hoàn vốn, còn nếu đợi cầu xây xong mới thu thì phải mất đến 33 năm và ngân hàng... không tài trợ vốn (!).


Dự án BOT cầu Đồng Nai thu phí tại trạm Sông Phan từ ngày 1-1-2009, đến ngày 1-7-2014 mới dừng Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Nhiều đơn vị phải chịu trách nhiệm

Sau rất nhiều phản ứng của người dân, công luận và chính quyền địa phương, cuối cùng, qua 5 năm 6 tháng thu phí từ xa, chủ đầu tư BOT cầu Đồng Nai mới tuyên bố dừng thu phí ở trạm Sông Phan (từ ngày 1-1-2009 đến 1-7-2014) và lập trạm thu phí mới ở gần cầu Đồng Nai.

Với trạm thu phí mới này, chủ đầu tư chỉ được thu thêm 9 năm 8 tháng (từ ngày 1-7-2014 đến 29-2-2024) trong tổng thời gian thu là 15 năm 2 tháng. Tuy nhiên, đến tháng 6-2015, Bộ GTVT và chủ đầu tư ký tiếp phụ lục hợp đồng BOT nhưng lại căn cứ vào kết quả đếm xe qua trạm của tháng 7 và tháng 11-2014 để làm cơ sở nâng thời gian thu phí hoàn vốn lên 18 năm 4 tháng 10 ngày.

Đáng chú ý, trong phụ lục hợp đồng, số tiền 176 tỉ đồng thu từ trạm Sông Phan (sau khi trừ các chi phí quản lý thu, chi phí duy tu và lợi nhuận bảo toàn vốn theo hợp đồng BOT) đã được chủ đầu tư bỏ ra ngoài sổ sách, không đưa vào phương án tài chính. Ngoài ra, khi điều chỉnh, ký phụ lục hợp đồng tháng 6-2015, Bộ GTVT và chủ đầu tư đã điều chỉnh vốn đầu tư cao hơn thực tế, chênh lệch hơn 200 tỉ đồng.

Trên cơ sở kiểm toán, KTNN đề nghị dự án này phải giảm thời gian thu phí từ 18 năm 4 tháng 10 ngày còn 10 năm 7 tháng 24 ngày, tức giảm tới 7 năm 8 tháng 16 ngày. Đồng thời, KTNN yêu cầu Bộ GTVT báo cáo rõ vì sao cho ký hợp đồng cho thu phí tại trạm Sông Phan trong thời gian xây dựng cầu Đồng Nai khi chưa có ý kiến của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ GTVT phải chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, thỏa thuận giá trị quyết toán dự án giữa thực tế và phương án tài chính hợp đồng BOT…, gửi về KTNN trước ngày 30-4.

Với việc ém nhẹm hơn 176 tỉ đồng từ nguồn thu tại trạm thu phí Sông Phan, cố tình không đưa vào phương án tài chính để nâng thời gian thu phí, ngoài gian dối của chủ đầu tư còn cho thấy trách nhiệm lớn thuộc về các đơn vị của Bộ GTVT, như Vụ Đối tác công tư; Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ, Ban QLDA 7 và đặc biệt là lãnh đạo Bộ GTVT. 

Kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GTVT định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm phải cập nhật số liệu thực tế của PATC để làm cơ sở xem xét điều chỉnh thời gian thu phí theo đúng quy định của hợp đồng BOT. "Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra các tồn tại như: Thẩm định PATC, ký kết hợp đồng BOT chưa chặt chẽ, sát thực tế; ký kết hợp đồng BOT, trong đó thỏa thuận thu phí hoàn vốn trong thời gian xây dựng tại trạm thu phí Sông Phan khi chưa có ý kiến của Bộ Tài chính, để nhà đầu tư khởi công khi chưa được cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh hợp đồng BOT đối với các hạng mục bổ sung vào dự án" - báo cáo của KTNN nêu.

T.Dũng


Xem thêm: Tổng cục Đường bộ khẳng định không dừng thu phí BOT Sóc Trăng

Nam Phương
Theo Người lao động //