Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có ô nhiễm không khí nhưng chưa đáng quan ngại

05-06-2018 09:46:28

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận tình trạng ô nhiễm bụi ở các thành phố lớn nhưng khẳng định 'chưa nghiêm trọng'.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có ô nhiễm nhưng 'chưa nghiêm trọng'. Ảnh Tuổi trẻ.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội từ 15h chiều qua và tiếp tục đăng đàn trong sáng nay, từ 8h đến 10h35.

Chiều 4/6 đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu ra trong câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường: "Ô nhiễm bụi đang rất nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép. Bộ trưởng có biện pháp gì để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng trên không?",  báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Trí hỏi.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) có chung nỗi lo này: "Việt Nam có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê cho thấy có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, bụi phổi than...".

Ông Phương muốn biết hiện bộ TN-MT đã kiểm soát được tình trạng ô nhiễm này chưa. Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời bằng lời đầu tiên ghi nhận "một câu hỏi hết sức hay" và lời tiếp theo là "số liệu công bố đó tôi không đồng tình".

"Các số liệu này công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ Tài nguyên môi trường và Hà Nội, TP.HCM đang có thì cũng chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy", ông Trần Hồng Hà nói.

"Đương nhiên, chúng ta thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn, các đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng và nguồn từ hoạt động giao thông là có".

Bộ trưởng Hà cho biết hiện Bộ TN-MT đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó xác định các địa phương phải đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí.

"Theo đó chúng ta sẽ biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào và phải công bố toàn bộ số liệu đó để nhân dân biết chính xác chứ không phải hiện nay chúng ta từ một đài quan sát mà phát đi trên thế giới như vậy", ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng nhắc lại là "ô nhiễm nhưng chưa nghiêm trọng như đại biểu phản ánh, chưa đáng quan ngại như vậy".

Tiếp tục trong phiên làm việc sáng nay 5/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà Trả lời chất vấn về xử lý chất thải rắn. Ông Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên Môi trường đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch và tổ chức thanh tra, Vnexpress đưa tin.

Bộ Xây dựng được phân công phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác, phân cấp một phần cho địa phương. Bộ Khoa học & công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý. 

"Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp. Thời gian qua sự phối hợp giữa các bộ không tốt. Nếu để một bộ làm sẽ không đủ năng lực xử lý, cần có sự phối hợp tốt hơn", ông Hà thừa nhận.

Bộ trưởng Hà cũng cho hay, rác thải Việt Nam khác với thế giới. Nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng nhu cầu. 

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên, với thành phần rác hiện nay thì công nghệ đó là chưa phù hợp. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường.

"Nhiều nhà máy rác đưa vào đầu tư kinh phí lớn song thực tế không vận hành được, lãng phí. Chúng ta phải thống nhất khi ký hợp đồng với các công ty, ngoài thoả thuận về giá thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường; nếu không đáp ứng thì buộc phải đóng cửa số nhà máy này", ông Hà nói.

Phần trả lời của Bộ trưởng Hà chưa làm hài lòng đại biểu. Ông Trương Trọng Nghĩa tranh luận, doanh nghiệp trong nước cho biết có công nghệ xử lý rác tiên tiến không cần phân loại, không tốn công sức, thậm chí có thể sản xuất điện từ rác,... nhưng lại gặp sự cạnh tranh của công ty nước ngoài trong khi công nghệ của nước ngoài không bằng.

Bộ trưởng Hà thừa nhận, việc xử lý rác thải đang gặp vướng mắc. 60% rác thải ở địa phương là rác thải hữu cơ có thể xử lý trong khuôn viên hộ gia đình. Rơm rạ có thể xử lý thành phân bón cho đất.Tuy nhiên, rác thải ở Việt Nam không chỉ là rác hữu cơ, còn có pin, thuỷ ngân,... nên cần công nghệ xử lý phù hơp. 

Ông cho biết đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ về nguồn lực để làm sao "sớm có công nghệ xử lý rác thải Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật"...

Một đại biểu đặt hỏi liệu bộ trưởng Trần Hồng Hà có thể cam đoan rằng các sự cố môi trường như Formosa sẽ không tái diễn, ông Hà trả lời: "Đã cho hoạt động thì đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó đã yêu cầu bổ sung công nghệ xử lý môi trường, có 3 nấc để đề phòng sự cố (tại nơi sản xuất, trong phạm vi nhà máy và ngoài phạm vi nhà máy), nước ở hồ sinh học có thể tái sử dụng đạt loại A".

"Với cách làm bài bản từ khâu xem xét, đánh giá công nghệ cho đến khâu giám sát kiểm tra, yêu cầu chặt chẽ thì không ngành nghề nào có thể để xảy ra ô nhiễm được. Riêng với Formosa thì tôi báo cáo để đại biểu yên tâm", bộ trưởng TN-MT tự tin nói.


Xem thêm: 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiều trạm BOT sai vị trí, mong cử tri 'thông cảm'​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //