'Bố mẹ thông thái cần biết cách kết nối cảm xúc với con'
Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội thảo “Làm bố mẹ thông thái” diễn ra vào ngày 5/10/2019 vừa qua tại Trường Mầm non Sunshine Maple Bear.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội thảo “Làm bố mẹ thông thái” diễn ra vào ngày 5/10/2019 vừa qua tại Trường Mầm non Sunshine Maple Bear.
Mở đầu buổi chia sẻ, TS. Nam đưa ra nhận định: Trẻ em chính là tấm gương phản chiếu của hệ giá trị từ cha mẹ, nhà trường. Và để có những đứa trẻ hạnh phúc, vui vẻ, tự tin thì bố mẹ phải là những người có vai trò trách nhiệm đầu tiên.
Để làm rõ hơn quan điểm trên, PGS.TS Trần Thành Nam đã phác họa lại một số tình huống quen thuộc trong cách dạy con của nhiều bậc phụ huynh hiện nay, khi bố mẹ có “niềm tin” rằng: yêu là cho roi cho vọt, mắng là thể hiện sự quan tâm, khen thưởng quá nhiều sẽ làm con chủ quan và kiêu ngạo, hình phạt nhẹ không nghe thì phải dùng hình phạt lớn hơn mới hiệu quả...
Theo TS. Nam, những hình phạt xuất phát từ những quan điểm trên chỉ có hiệu quả ngắn hạn, nhưng về lâu dài có thể khiến hành vi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến nhiều hệ quả xấu khác như: hạ thấp lòng tự tin của trẻ, làm trẻ tức giận và mong muốn trả đũa, trẻ tìm cách nói dối người lớn, trở nên miễn dịch với tất cả hình phạt, trốn tránh, bỏ học…
Những sai lầm trong ứng xử với lỗi của con cứ tích tụ và đẩy con dần xa bố mẹ, tạo ra khoảng cách thế hệ to lớn, dẫn đến việc bố mẹ - con cái không thể nói chuyện với nhau. Thậm chí, nếu các em cảm nhận được sự xung đột với bố mẹ, bị bỏ mặc trong gia đình hoặc không có sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau qua cách nhìn của các em, thì đó có thể là giọt nước cuối cùng làm tràn ly dẫn đến những hành vi tiêu cực mà không có sự cân nhắc lợi hại.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng để hiểu được vì sao đôi lúc trẻ lại có cách ứng xử sai với mong muốn của bố mẹ thì trước hết bản thân bố mẹ phải hiểu được chính mình và trẻ. Bởi chỉ khi có sự thấu hiểu, bố mẹ mới biết cách thức giúp con ngoan và hạnh phúc hơn.
“Để giúp trẻ trở nên hạnh phúc, hãy thỏa mãn những nhu cầu của trẻ. Các em đều cần được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được thông cảm và được thấy mình có giá trị để trở nên hạnh phúc. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn khi được khoan dung và coi mọi lỗi lầm mắc phải đều là cơ hội để học tập và lớn lên.
Trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương khi được đối xử ân cần và thân mật. Trẻ sẽ cảm thấy được hiểu và được tôn trọng khi mọi ý kiến đều được lắng nghe. Trẻ sẽ cảm thấy có giá trị khi thường xuyên nhận được sự động viên khích lệ” – TS. Nam cho biết.
Để biết được vì sao trẻ lại có ứng xử sai với mong muốn của bố mẹ, trước hết các bậc phụ huynh cần phải hiểu được chính mình và trẻ
Bàn về những điều mà trẻ mong muốn ở bố mẹ khi gặp tình huống sợ hãi, TS. Nam đã đưa ra một hình ảnh ví von thú vị: “Mèo mẹ và bầy con đang ngủ yên trong cái ổ ấm êm. Một con mèo con thức dậy, tò mò đi khám phá thế giới.
Gặp người lạ, nó rít lên tiếng sợ hãi, toàn thân lông dựng ngược và nhảy lùi lại. Mèo mẹ ngay lập tức phi đến, không để ý đến điều gì khác, tha ngay con về ổ, liếm láp vỗ về cho đến khi lông con xuôi mềm mượt trở lại. Chúng ta hãy tự hỏi đã bao giờ chúng ta làm được như mèo mẹ chưa?” – TS. Nam chia sẻ.
Theo diễn giả, khi cảm thấy có một sự việc thực sự cần thiết và mong muốn công việc được hoàn thiện, các bậc phụ huynh cần có những chỉ dẫn hiệu quả để con được tạo điều kiện làm đúng. Với những hành vi khó thay đổi, cần sử dụng một công cụ hiệu quả để tạo động cơ thay đổi đó là xây dựng hệ thống thưởng.
Điều này sẽ giúp trẻ thực hiện hành vi dễ dàng hơn, có cảm giác mình có khả năng làm việc tốt cũng như tự hào khi bản thân làm được việc tốt. Song song đó, bố mẹ cũng cần có những biện pháp phạt để quản lý hành vi xấu của trẻ như chủ động phớt lờ, phạt góc trấn tĩnh...
Ngoài ra, để quản lý hành vi của trẻ ở ngoài phạm vi gia đình và nơi công cộng, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ lập kế hoạch khi đi ra ngoài, thiết lập các quy tắc ở nơi công cộng, thiết lập các phần thưởng cho việc tuân theo quy tắc, các hậu quả cho việc không vâng lời, giao các công việc, nhiệm vụ cho trẻ. Đồng thời phối hợp với giáo viên để hỗ trợ khi trẻở trường.
Để khuyến khích trẻ ngày càng có nhiều hành vi tích cực, bố mẹ cần chú ý vào những hành vi tốt của trẻ nhiều hơn là tập trung vào những hành vi xấu.
Bên lề hoạt động chia sẻ cùng PGS.TS Trần Thành Nam, các phụ huynh tham dự sự kiện “Làm bố mẹ thông thái” đã có một ngày đáng nhớ cùng con thông qua các hoạt động trải nghiệm tại Sunshine Maple Bear. Các hoạt động giúp trẻ rèn luyện một số kỹ năng quan trọng, đồng thời tạo sự gắn kết giữa bố mẹ và các con.
Hệ thống Mầm non Sunshine Maple Bear là một trong những hệ thống đầu tiên tại Việt Nam mua bản quyền chương trình đào tạo của Maple Bear - Canada. Hiện nay Maple Bear đã có mặt tại 423 điểm trường và 20 quốc gia trên toàn thế giới. Với những điểm nổi bật trong phương pháp đào tạo và thừa hưởng tinh hoa của nền giáo dục Canada, Sunshine Maple Bear trang bị cho trẻ những hành trang đầu đời, giúp trẻ sẵn sàng trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. Website: https://sunshinemaplebear.edu.vn/ Hotline: 090 254 6655 |