Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu khẩn trương rà soát, kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải

05-08-2022 15:03:55

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và Sở Giao thông Vận tải địa phương về việc điều chỉnh giá cước vận tải theo lĩnh vực phù hợp.


Bến xe Mỹ Đình. Ảnh internet.

Ngày 5/8, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và Sở Giao thông Vận tải địa phương yêu cầu rà soát, kê khai để đánh giá việc điều chỉnh giá cước vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá từ đầu năm và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu UBND tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; báo cáo kết quả trước ngày 20-8-2022.

Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các sở giao thông vận tải triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê khai, niêm yết giá cước vận tải đường bộ và Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Bên cạnh đó, các cục đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết...

Trước đó, ngày 3/8, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế. Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải. Vừa qua, đã có 4 đợt điều chỉnh giảm, trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá xăng dầu giảm mạnh do việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm.

Việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.

Tuy nhiên, trong tháng 7/2022, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm...

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //