Bộ Giao thông cam kết đường sắt Cát Linh - Hà Đông an toàn tuyệt đối!
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù và cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối về dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam.
Thông tin trên vừa được Bộ GTVT đưa ra nhằm trả lời kiến nghị cử tri Đà Nẵng về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đề nghị cân nhắc thận trọng khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt này.
“Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới. Với vai trò Chủ đầu tư, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án và sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn” - Bộ GTVT thông tin.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "lỗi hẹn" do Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)
Theo Bộ này, trong thời gian triển khai dự án, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán nhà nước... Bộ GTVT đã thuê Tư vấn của Pháp đánh giá an toàn hệ thống, từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành.
Bộ GTVT cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan của bộ nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình; nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Dự án dài hơn 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao, bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 18.000 tỷ đồng. Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản”.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, đội vốn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc. Chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án.
Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (GPMB) - UBND TP. Hà Nội, chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác GPMB; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.
Cần phải nói thêm rằng, đây là dự án trọng điểm quốc gia, là dự án đường sắt trên cao đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nhưng nhà tài trợ vốn ODA lại chỉ định một Tổng thầu không có kinh nghiệm, chưa từng làm dự án đường sắt trên cao nào theo hình thức EPC, dẫn đến công tác quản lý điều hành còn nhiều lúng túng và bất cập. Tổng thầu Trung Quốc chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ.