Bỏ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Bộ GDĐT nêu lý do
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, cho biết, Dự thảo Luật Nhà giáo đã rút đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.
Tại bản dự thảo luật trình ra phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo luật đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ với nhà giáo. Trong đó, dự thảo đề xuất miễn học phí con giáo viên từ cấp học mầm non tới đại học.
Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là hơn 9.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, trong dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến không tán thành, cho rằng đề xuất của ban soạn thảo luật không phù hợp, tạo ra sự bất bình đẳng.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga
Lý giải về việc bỏ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: "Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến khác nên đã có sự điều chỉnh nội dung trong dự thảo phù hợp hơn với thực tế.
Chính sách hỗ trợ nhà giáo trong Dự thảo mới nhất sẽ bao gồm: chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản…
Dự thảo đã bỏ nội dung: "Miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác" như đã đề xuất trước đó".
Trước đó, ông Đức nêu lý do có đề xuất này: "Việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù (ví dụ: chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã được quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam). Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia ngoài các quy định về chính sách đối với nhà giáo còn quy định các chính sách ưu đãi cho thân nhân của nhà giáo.
Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo nhằm tạo điều kiện để nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT luôn luôn cầu thị, nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, của các nhà giáo và cử tri và nhân dân cả nước để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ. Vì vậy, với nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, hiện nay, Bộ GDĐT đang tổng hợp các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động các quy định theo hướng đảm bảo tính khả thi, đảm bảo mối tương quan với các ngành nghề khác và điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước để chỉnh sửa trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội là những vấn đề gì đã chín, đã rõ, đồng thuận cao thì đưa vào Luật; đưa các nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng hoặc các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao ra khỏi dự thảo Luật".