Blogger Huyền Trang: "Mẹ tôi thường bảo, sau này lấy chồng, không hạnh phúc thì về nhà với mẹ"

15-04-2017 09:08:31

Mới đây, nữ nhà văn trẻ Huyền Trang Bất Hối lại đánh thẳng vào "huyệt" tâm lý của chị em với status "sống chung với mẹ chồng" giữa tâm bão mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.

"Sống chung với mẹ chồng" đang là bộ phim có tầm ảnh hưởng đến tư tưởng lấy chồng của chị em phụ nữ. Bộ phim xoay quanh cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu và người con trai, người chồng đứng ở giữa mối quan hệ đó.

Trước độ "hot" của phim, nữ nhà văn trẻ Trịnh Huyền Trang (Huyền Trang Bất Hối) đã tung ra 5 điều cần biết khi "sống chung với mẹ chồng".

Đoạn status vừa đăng tải đã nhận được sự đồng tình của cư dân mạng bởi tính triết lý khiến nó len lỏi vào từng góc khuất sâu thẳm trong mỗi con người tìm kiếm sự đồng cảm.

Hơn nữa, "sống chung với mẹ chồng" luôn là nỗi lo của mọi cô gái bởi dù đã lấy chồng hay chưa. Chính vì vậy, đoạn status của Trịnh Huyền Trang giúp phụ nữ phần nào hiểu được cách sống sao cho phải "đạo làm dâu", được nhà chồng yêu quý mà mình sống không bị "ngộp thở".

Đoạn status của Huyền Trang Bất Hối khiến cư dân mạng "náo loạn"

Dưới đây là nguyên văn những dòng chia sẻ này:

"Sống chung với mẹ chồng?

Không phải mẹ chồng nào cũng thương con dâu như con đẻ. Và cũng không phải con dâu nào cũng chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ mình. Tôi dành nguyên một buổi tối, và sáng nay xem năm tập phim qua mạng đang rất hot nhiều ngay nay "sống chung với mẹ chồng".

Tôi không theo dõi phim truyền hình nhiều, nhưng hẳn vì bộ phim này quá hot, và chủ đề nhằm đúng vào tâm điểm dư luận mẹ chồng - nàng dâu. Nên hẳn đã tạo nên một cơn sóng dư luận.

Điều thứ 1: Luật nhân quả

Điều mà tôi nhận ra sau vài tập phim đầu tiên tôi xem, thì hẳn chính là luật nhân quả. Người ta thường nói nhân quả sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn. Người con dâu trong phim, đang dần đối xử với bà ấy, như những gì bà ấy đối xử với mẹ chồng của mình như vậy.

Đây hẳn là một điều rất hiện thực, giữa cách đối nhân xử thế ở cuộc sống hiện nay. Rất nhiều người bị người khác đối xử không tốt, rồi lại đặt ra một dấu hỏi chấm, tại sao lại như vậy. Mà chưa từng thử vắt óc nghĩ suy, rằng mình đã từng đối xử với người khác như thế.

Vậy nên đầu tiên, hẳn là điều đầu tiên tôi học được trong vài tập phim chính là: Đừng bao giờ nói người khác tệ, khi mà bản thân còn chưa đủ tốt.

Điều thứ 2: Mẹ chồng có thể không đáng sợ, mà thứ đáng sợ chính là miệng lưỡi thị phi

Đừng ôm lấy cái suy nghĩ, hết thảy bà mẹ chồng nào cũng đều đáng sợ, mà hãy hiểu. Mẹ chồng hay bất kể ai, sẽ chỉ đáng sợ khi chúng ta làm sai. Người ĐÚNG thì tỉnh bơ mà người sai thì thường lén lút.

Trong bộ phim này, điều đáng sợ nhất không phải là tâm lý mẹ chồng nàng dâu, mà chính là mồm miệng thị phi bên ngoài. Cô gái trong phim có thể ác cảm với mẹ chồng một, nhưng vì những lời nói bên ngoài, thành ra nhân đôi.

Điều thứ 3: Lấy một người đàn ông không có tiếng nói, giống như lấy một lá cờ, chỉ cần gió thổi về hướng nào, anh ta sẽ bay về hướng đấy

Đàn ông nghe lời mẹ, không xấu. Đàn ông không có lập trường, mới đáng sợ. Chúng ta sinh ra đều có bố, có mẹ, hiển nhiên chúng ta phận làm con, mẹ cha nói một, chắc gì dám nói hai.

Nhưng khi quyết định tiến đến hôn nhân, thì phải nhớ rằng, đàn ông trong gia đình mà có hai người phụ nữ sống chung, thì ngôi nhà luôn luôn là phiên tòa.

Mà đàn ông trong gia đình sẽ luôn là chủ tọa và một trong hai người phụ nữ sẽ có người là nhân chứng người là bị cáo và luôn phải giữ vững tình hình hòa giải hoặc tạm hoãn phiên tòa.

Các cụ có câu, đừng lấy đàn ông gia trưởng. Và đừng lấy người không có lập trường. Ắt không có sai!

Điều thứ 4: Đừng ép đàn ông ra ở riêng. Vì bạn thương bố mẹ bạn bao nhiêu, anh ta cũng thương bố mẹ mình nhiều như thế

Mỗi một người phụ nữ lấy chồng, đều có tâm lí sẽ có một ngôi nhà riêng, một tổ ấm riêng biệt, để tự do.Nhưng nếu đàn ông không muốn, đừng ép!

Cuộc sống này vốn dĩ vô thường, nay sống mai chết, nay ở mai đi. Bạn thương bố mẹ bạn bao nhiêu, đặt địa vị là chồng mình, anh ấy cũng sẽ thương bố mẹ mình nhiều như thế.

Không phải mẹ chồng nào cũng thương con dâu như con đẻ. Và cũng không phải con dâu nào cũng chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ mình.

Nhưng chúng ta lấy chồng, không phải lấy mẹ chồng. Khi lấy nhau, là sẽ sống chung một cuộc sống, chung một dòng suy nghĩ và chung ngay cả những lắng lo.

Nên khi sống với nhau, cho dù có những điều chúng ta không muốn, nhưng có thể vì đối phương mà chúng ta tình nguyện làm. Thật ra, sự ích kỷ có thể là tốt, nhưng nếu quá nhiều sẽ thành ra lạm dụng.

Điều 5: Tâm lý gia đình rất quan trọng

Mẹ tôi thường bảo tôi, sau này lấy chồng, không hạnh phúc thì về nhà với mẹ. Bố tôi thường bảo tôi, không ở được thì về tao nuôi.

Thật ra đấy không phải là tôi có cớ ỷ lại, mà tôi có chỗ dựa tinh thần. Đàn bà đi lấy chồng, chỗ dựa tinh thần rất quan trọng. Áp lực đôi khi lại từ chính gia đình mình tạo nên. Nếu không thể làm chỗ dựa cho con mình, đừng khiến nó thêm mất phương hướng.

Chốt, cho dù là mẹ chồng hay nàng dâu. Chưa chịu cho đi thì đừng mong nhận lại. Chưa chịu nhẫn nại thì đừng mong trời phật biết mình thành tâm.

Khi mẹ chồng thông cảm cho con dâu, thì sẽ bớt cho con trai mình vài phần suy nghĩ. Khi con dâu biết cảm thông cho mẹ chồng, thì sẽ giảm cho chồng mình trăm mối lắng lo".

Mina
Theo Đời sống Plus //