Bình Dương đánh mạnh, phá rã các băng nhóm
Ngoài mô hình “hiệp sĩ”, Bình Dương đang xây dựng các đội thanh niên công nhân xung kích tự quản để nắm bắt tình hình của cả triệu công nhân.
Bình Dương có đến cả triệu công nhân, là tỉnh giáp ranh với Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh khác nên các băng nhóm tội phạm làm nơi dừng chân.
Bằng nhiều biện pháp, trong năm qua Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá hàng chục băng nhóm tội phạm chuyên đánh bạc, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản..., xây dựng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm (PCTP) hiệu quả. Năm 2016, Thủ tướng đã trao cờ thi đua xuất sắc cho Công an tỉnh Bình Dương và tặng cờ cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đó là kết quả của hàng loạt biện pháp đồng bộ.
Hàng chục băng nhóm bị triệt phá
PV: Bình Dương được xem là nơi phức tạp về an ninh trật tự, băng nhóm tội phạm có tổ chức tụ về hoạt động. Công an tỉnh Bình Dương có những biện pháp nào để triệt phá, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Năm 2016 tuy còn nhiều thách thức nhưng nhờ sự quan tâm của Bộ Công an, Tỉnh ủy và sự phối hợp giữa các ban ngành với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, hiệp đồng, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, tình hình an ninh trật tự ở Bình Dương tiếp tục được giữ vững, khiếu kiện kéo dài cũng được giải quyết thỏa đáng.
Lực lượng đã điều tra làm rõ hơn 800 vụ án, bắt giữ hơn 1.100 người (đạt 91,46%). Trong 112 vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, công an khám phá 102 vụ, bắt giữ hơn 150 người…
Đặc biệt, năm 2016, công an triệt phá hơn 50 băng nhóm tội phạm. Chỉ riêng địa bàn nóng là thị xã Dĩ An, có khoảng 20 băng nhóm bị triệt phá. Các băng nhóm hoạt động trên địa bàn chủ yếu là trộm cắp, cướp giật, tiêu thụ tài sản, đánh bạc, đòi nợ thuê.
Nhiều băng nhóm có đến hàng chục người như băng nhóm của Đậu Đức Thành với 17 người chuyên đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản; băng nhóm của Đào Văn Tài (tự Tài “sẹo”, ngụ Đồng Nai) chuyên đánh bạc, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản; Ngô Phước Sơn với 14 đàn em chuyên trộm cắp tài sản, cho vay nặng lãi...
PV: Các băng nhóm tội phạm bị TP.HCM, Đồng Nai đánh mạnh sẽ kéo về vùng giáp ranh hoạt động. Bình Dương kiểm soát tình hình này ra sao?
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh mạnh vào băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Qua công tác nghiệp vụ, công an sẽ phân loại, băng nhóm nào có thể vận động bằng biện pháp phòng ngừa xã hội để tự tan rã thì chúng tôi tích cực áp dụng. Còn băng nhóm nào phải đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi tổ chức triệt phá quyết liệt.
Một nhóm nghi can vùng giáp ranh bị bắt giữ khi chuẩn bị thanh toán. Ảnh: ND
Muốn triệt phá tội phạm vùng giáp ranh phải có sự phối hợp với công an tỉnh bạn, công an các phường, xã, đặc biệt là lực lượng cảnh sát hình sự để trao đổi thông tin, nắm bắt phương thức hoạt động của băng nhóm và phối hợp triệt phá với quan điểm xuyên suốt là “diệt từ trong trứng nước”.
Trước đây Bình Dương có nhiều băng nhóm tồn tại vài ba năm trở lên nhưng giờ, băng nhóm nào vừa hình thành là chúng tôi tập trung triệt phá ngay.
Tuần tra tần suất cao tại địa bàn phức tạp
PV: Ông hài lòng nhất điều gì trong công tác phòng và chống tội phạm trong năm qua ở Bình Dương?
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Chúng tôi thấy thành công nhất là công tác chuyển hóa địa bàn. Trong năm qua chúng tôi chuyển hóa địa bàn phức tạp vùng giáp ranh với TP.HCM, Đồng Nai gây bức xúc về tình hình tội phạm và trật tự xã hội. Đây là điều mà ít có địa phương nào thực hiện được. Bình Dương làm được việc này vì sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy mà lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt.
PV: Nhưng vùng giáp ranh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp về an ninh trật tự, hơi lơi lỏng là băng nhóm sẽ hoạt động. Công an có biện pháp nào để phòng ngừa tình trạng này?
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Chúng tôi có phương án tăng cường lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy về vùng giáp ranh, vùng trọng điểm về tội phạm hoạt động có tính chất băng nhóm. Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với K20 (CSCĐ Bộ Công an), các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn và các mô hình PCTP cơ sở để tuần tra với tần suất cao hơn, vào giờ cao điểm bọn tội phạm hoạt động, các địa bàn phức tạp để trấn áp ngay lập tức tất cả loại tội phạm.
Xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm mới
PV: Mô hình Câu lạc bộ (CLB) PCTP ở Bình Dương đã góp phần giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, gần đây có thông tin một số người lợi dụng danh nghĩa “hiệp sĩ” để vụ lợi cá nhân?
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Vừa qua chúng tôi có tổ chức sơ kết hoạt động mô hình CLB PCTP (hay còn gọi là CLB “hiệp sĩ”) để phát huy hiệu quả tốt hơn. Chúng tôi ghi nhận một số ít người trong CLB có hành vi không đúng với tinh thần “hiệp sĩ” và chúng tôi đã xử lý, loại ra ngay.
Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại lực lượng hiện có trong các CLB để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Cạnh đó, các CLB sẽ chú trọng khi tuyển vào theo hướng chặt chẽ hơn nhưng vẫn tạo được tâm thế để anh em “hiệp sĩ” đem hết sức lực PCTP, hun đúc lòng dũng cảm và không để xảy ra sai phạm trong anh em.
PV: Ngoài lực lượng “hiệp sĩ”, chúng tôi được biết là công an tỉnh đang xây dựng mô hình mới về PCTP, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao: Đúng là Công an tỉnh Bình Dương đã xây dựng mô hình về công tác PCTP và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bình Dương có 28 KCN với hơn một triệu công nhân và chúng tôi đã phát triển đội thanh niên công nhân xung kích tự quản trong doanh nghiệp.
Đội này có chức năng, nhiệm vụ nắm bắt tình hình an ninh trong công nhân như ngưng việc, lãn công, tín dụng đen, ma túy… và họ sẽ báo cho đơn vị quản lý để có phương án xử lý. Chúng tôi đã lập đề án thông qua Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác PCTP.
Xin cám ơn ông!
Vùng giáp ranh là nơi đứng chân của nhiều băng nhóm tội phạm từ các nơi về hoạt động. Khu vực này có hàng chục ngàn công nhân, người nhập cư. Bao bọc là những cung đường liên kết (quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai - quốc lộ 1K - cầu Hóa An; đường 743B - ngã ba Tân Vạn - quốc lộ 1K - cầu vượt Linh Trung - quốc lộ 13) rất dễ dàng cho băng nhóm phạm tội di chuyển sang địa phương khác sau khi gây án. Nơi này còn có sông lớn với nhiều kênh, rạch vắt qua các tỉnh, thành, thuận tiện cho tội phạm lẩn tránh. Các băng nhóm giang hồ gốc Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, miền Tây... có đủ ở đây. |