Bị ong đốt, người đàn ông sốc phản vệ đến liệt não, ngưng tim
Sốc phản vệ thường diễn biến nhanh và có thể chuyển sang trạng thái nguy kịch bất cứ lúc nào. Vì vậy, phòng sốc phản vệ luôn là yêu cầu cấp thiết đối với những người có cơ địa dị ứng.
Theo thông tin từ BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, đến chiều 10/10 bệnh nhân Đoàn Văn C. (63 tuổi) trú ở thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang vẫn còn liệt não, hôn mê sâu sau khi bị ong đốt.
Trước đó vào sáng ngày 7/10, ông Đoàn Văn C được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu sau khi bị ong đốt một vết. trong tình trạng hôn mê sâu, chết não nặng, tứ chi tê liệt, mạch và huyết áp không đo được, não thiếu oxy, ngưng tim, ngưng thở do sốc phản vệ, nên phải lọc máu liên tục, thở máy, mạch và huyết áp phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có một vết nghi do ong đốt. Người nhà bệnh nhân cho biết phát hiện một con ong có hình thù lạ chích ông Cư, nhưng không biết là loại ong gì.
Theo các chuyên gia y tế, sốc phản vệ là tình trạng sốc có thể gây tử vong do suy hô hấp và tuần hoàn. Ở những người nhạy cảm, sốc phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài phút, hoặc có thể là vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (dị nguyên). Người bị sốc phản vệ thường có các triệu chứng nhu: co thắt đường hô hấp, gồm thở khò khè, sưng phù lưỡi và họng, khó thở; sốc kèm theo tụt huyết áp; mạch nhanh và yếu, choáng váng hoặc ngất; Mày đay và ngứa, bốc hỏa hoặc da xanh tái; buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, đau quặn bụng, không tự chủ vệ sinh; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê, choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật....
Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hoặc muộn hơn sau một vài giờ tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nhưng khi đã xảy ra thì diễn tiến sẽ rất nhanh và có thể chuyển sang trạng thái nguy kịch. Vì vậy, phòng sốc phản vệ luôn là yêu cầu cấp thiết đối với những người có cơ địa dị ứng.
Trước hết, với những người có tiền sử dị ứng, hãy thông báo với bác sỹ về những tác nhân gây dị ứng trước đó, đặc biệt là khi được kê đơn thuốc mới. Hơn nữa, hãy luôn mang theo các loại thuốc chống sốc bên mình.
Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi... hãy nói ngay với bác sỹ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như sốc phản vệ. Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15 - 30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.
Khi thấy bệnh nhân bị phản ứng dị ứng với những dấu hiệu phản vệ, cần lập tức gọi cấp cứu. Kiểm tra tên những thuốc đặc hiệu mà bệnh nhân có thể mang theo để điều trị cơn dị ứng và dùng thuốc theo hướng dẫn.
Trường hợp khẩn cấp, bạn có thể tiến hành sơ cứu đối với người bị sốc phản vệ bằng cách đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu, nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh. Nếu có nôn hay chảy máu từ miệng, lật người bệnh nằm nghiêng để đề phòng sặc. Nếu không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc vận động), bắt đầu hồi sức tim phổi.