Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị cho 10 trường hợp mắc bệnh Whitmore
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, bệnh viện này đang điều trị cho 10 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh.
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: Lao động
Ngày 2/12, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, đơn vị này hiện đang điều trị cho 10 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”) trên địa bàn tỉnh. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 50 trở lên, sinh sống chủ yếu ở các địa phương như Thăng Bình, Phước Sơn, Tiên Phước... Sau thời gian điều trị tích cực, hiện sức khỏe các bệnh nhân đang bắt đầu ổn định.
Trước tình hình số người nhập viện do bệnh gia tăng sau mưa lũ, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu tất cả địa phương tuyên truyền đến người dân chủ động phòng bệnh Whitmore.
Trước đó, ngày 25/11, Bệnh viện Đà Nẵng cũng cho hay, số ca mắc bệnh Whitmore nhập viện tăng mạnh trong 2 tháng gần đây. Cụ thể, từ ngày 1/10 - 25/11, bệnh viện đã tiếp nhận 29 ca bệnh Whitmore, trong đó phần lớn các bệnh nhân đến từ Quảng Nam, có 2 trường hợp đã tử vong do tình trạng quá nặng (1 người ở Quảng Ngãi, 1 người ở Quảng Nam).
Ông D.V.T.(sinh 1974, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là một trong số những bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Ông T. cho biết, đợt lụt vừa qua, nhà ông bị ngập lụt.
Sau thời gian ngâm nước và lội bùn non dọn dẹp nhà cửa, ông T. bị sốt cao nhiều ngày nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam điều trị. Sau thời gian điều trị tại, ông T. được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên người mắc đái tháo đường, gout, suy giảm hệ miễn dịch..., có nguy cơ mắc và bị nặng hơn. Những người lao động chân tay, tiếp xúc thường xuyên với bùn, đất như nông dân cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Ngoài ra, trẻ em dễ mắc khi chúng vô tình tiếp xúc bùn đất, vi khuẩn trên đồ chơi.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên rất khó phát hiện. Người mắc bệnh Whitmore thường sẽ có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật, triệu chứng viêm phổi (ho, khó thở, đau ngực), nhiễm trùng trên da với các dấu hiệu đau hoặc sưng, loét và áp xe.
Để phòng bệnh, người dân cần hạn chế tiếp xúc với những môi trường mà mầm bệnh thường trú ngụ. Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc thì cần chú ý đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động như đi ủng, đeo găng, băng bó các vết thương hở, bởi đây là con đường để Whitmore xâm nhập vào.
Sau khi tiếp xúc cần sát khuẩn chân tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh Whitmore, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.