Bé trai ở Quảng Ninh chào đời nặng hơn 5 kg
Ban đầu, các bác sĩ đánh giá thai nhi chỉ nặng khoảng 4,2kg, tuy nhiên đưa ra khỏi bụng mẹ, cân nặng của bé trai khiến cả ekip ngỡ ngàng.
Bé trai chào đời có cân nặng lên tới hơn 5kg
Ngày 18/5,các bác sĩ khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa mổ lấy thai nhi có cân nặng lên tới 5kg cho một sản phụ sinh lần 2. Đây là một trong những bé sơ sinh có trọng lượng “khủng” hiếm gặp được sinh ra tại đây.
Ngày 15/5 vừa qua, thai chị Bùi Thuỳ L., 33 tuổi trú tại TP. Hạ Long đến BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh nhập viện, theo dõi chờ sinh. Qua thăm khám, xét nghiệm và siêu âm kiểm tra trước sinh, các bác sĩ đánh giá thai nhi to, trọng lượng lớn hơn mức bình thường, tử cung cũng đã có cơn co chuyển dạ nên bệnh nhân lập tức được đưa lên phòng mổ cấp cứu lấy thai kịp thời.
Kíp bác sĩ khoa Phụ sản đã mổ lấy thai bằng đường rạch ở bụng, bé trai ra đời an toàn với cân nặng hơn 5kg trước sự bất ngờ của mẹ và cả ekip.
“Qua siêu âm, chúng tôi đánh giá thai nhi nặng khoảng 4,2kg, tuy nhiên khi đưa bé ra khỏi bụng mẹ và đặt lên cân thì bé trai có trọng lượng lên tới hơn 5kg. Đây là trường hợp hiếm gặp, rất lâu rồi bệnh viện mới chào đón một em bé sơ sinh có cân nặng “khủng” đến như vậy”, BS CKI Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Phụ sản, BV đa khoa tỉnh chia sẻ.
Hiện, sức khoẻ thai phụ ổn định, chủ yếu chỉ còn đau vết mổ. Sau 1 ngày kiểm tra theo dõi, bé trai khỏe mạnh, bú tốt, không phát hiện bệnh lý bất thường. Theo BS Tuấn, do thai phụ có thai to bất thường, tử cung có thể giãn căng quá mức, nên trong quá trình mổ đẻ, các bác sĩ đặc biệt theo dõi nguy cơ đờ liệt tử cung gây chảy máu trong và sau mổ.
Thông thường, tiêu chuẩn cân nặng bình thường ở trẻ sơ sinh sẽ khoảng từ 2,8 - 3,5kg. Với mức cân nặng trên 4kg đã được đánh giá là thai to, cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi thường xuyên. Trường hợp trẻ sơ sinh có cân nặng 5 kg sẽ tương đương trọng lượng với trẻ 2 đến 3 tháng tuổi.
“Những trẻ sơ sinh có cân nặng lớn cần phải theo dõi sát sao, nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh cao. Vì khi ở trong bụng mạch máu cung cấp cho thai nhi tốt, nhưng khi bé sinh ra nhu cầu năng lượng nhiều hơn, khả năng bú chưa đạt có thể khiến bé bị hạ đường huyết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe”, BS Tuấn cho hay.
Được biết đây là lần sinh thứ 2 của chị L. Trong lần mang thai đầu tiên, dù cân nặng tăng nhiều nhưng em bé chào đời chỉ nặng 3,5 kg. Ở lần mang thai chứ 2, chị L. ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, cân nặng chỉ tăng 11 kg nhưng em bé lại có cân nặng “khủng”.
“Nhìn thấy con chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh tôi mừng vô cùng. Khi nghe bác sĩ thông báo cân nặng của con mà tôi và cả gia đình ai cũng rất bất ngờ”, chị L. chia sẻ.
Trước đó, vào tháng 10/2017, một bé trai có trọng lượng lên đến 7,1kg đã chào đời tại bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây được xem là bé sơ sinh có cân nặng kỷ lục.