Bé gái 14 tuổi mang thai do chú ruột hiếp dâm: Nên bổ sung quy định thiến hóa học các đối tượng gây án
Theo chuyên gia pháp lý, dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội thì kẻ gây án vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao. Để rồi khi ham muốn bản năng quá lớn thì họ rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm.
Công an huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) đã bắt tạm giam Đỗ Văn Lại (SN 1976, ở thôn Bích Động, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo) về hành vi hiếp dâm cháu ruột của mình. Trước đó, cháu Đỗ Thị Tr (SN 2007, cháu ruột của Lại) tố cáo đối tượng này có hành vi hiếp dâm dẫn đến có thai.
Bị triệu tập lên cơ quan công an, trước những chứng cứ được đưa ra, Lại đã phải thừa nhận hành vi hiếp dâm cháu Tr. Bước đầu, Lại khai nhận, ngày 9/7/2020, hắn đã 2 lần quan hệ tình dục với Tr tại nhà nạn nhân. Từ đầu năm 2021 đến nay, Lại có thêm 3 lần quan hệ tình dục với cháu Tr dẫn đến có thai 14 tuần tuổi.
Căn cứ tài liệu và lời khai của đối tượng, Công an huyện Vĩnh Bảo đã khởi tố, bắt giam Đỗ Văn Lại về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo Điều 142 (Bộ Luật Hình sự 2015). Hiện hồ sơ vụ án đã được Công an huyện Vĩnh Bảo chuyển lên Công an thành phố Hải Phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Được biết, 22 năm trước, Đỗ Văn Lại đã từng có tiền án về tội hiếp dâm trẻ em, bị phạt tù chung thân.
Hành vi đồi bại của Đỗ Văn Lại bị cả xã hội lên án (ảnh: M.Lý)
Theo luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội), đây là một vụ án nghiêm trọng, xâm hại đến danh dự nhân phẩm của trẻ em khiến dư luận hết sức bức xúc phẫn nộ. Bởi lẽ, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ, hành vi lạm dụng tình dục của người chú đối với cháu gái đã đi ngược lại chuẩn mực về đạo đức, xã hội cũng như các quy định của pháp luật nên cần phải xử lý nghiêm minh.
"Đây là sự việc hết sức đau lòng cho bé gái và gia đình. Hành vi hiếp dâm chính cháu ruột của mình thể hiện sự thú tính và đồi bại của đối tượng. Tôi nghĩ, sắp tới đối tượng Lại sẽ phải nhận bản án xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, ngoài pháp luật, bị can này còn phải chịu sự phán xét của tòa án lương tâm, đạo đức, sự lên án của dư luận xã hội", luật sư Thắng nói.
Cũng theo luật sư Thắng, với hành vi "có tính chất loạn luân"; "phạm tội 2 lần trở lên" và "làm nạn nhân có thai" là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm a, b, đ (khoản 2, Điều 142, Bộ luật Hình sự năm 2015) thì đối tượng phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Theo đó, trong vụ án này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ đối tượng này có bệnh lý về tình dục hay không để thực hiện tốt công tác phòng ngừa và để việc cải tạo giáo dục đạt hiệu quả tốt hơn.
"Hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang khá là nhức nhối trong xã hội, nạn nhân bị xâm hại tình dục là các trẻ em gái tuổi đời còn rất ít, thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức về giới tính, thiếu các công cụ để phòng tránh xâm hại tình dục. Trong khi đó, những người phạm tội lại thường là những người thân, có quan hệ rất gần gũi với các em như quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Để ngăn chặn tội phạm này, cần đưa pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em, pháp luật hình sự liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông để nâng cao hiểu biết pháp luật cho các em và giúp các em kịp thời tố giác tội phạm khi bị xâm hại", luật sư Thắng phân tích.
Nhìn nhận ở một góc cạnh khác, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, Việt Nam cần bổ sung biện pháp hành chính là thiến hóa học để đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Hiện tại, hành vi xâm hại tình dục đến mức xử lý hình sự thì ở nước ta chỉ áp dụng chế tài hình sự chứ không có những can thiệp bằng biện pháp y tế. Trước đây khi sửa đổi bộ luật hình sự thì cũng nhiều ý kiến đưa vấn đề "thiến hóa học" vào trong luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa được thống nhất nên chưa đưa vào luật.
Thực tiễn cho thấy những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc và đạo đức nhân cách thấp kém. Bởi vậy, nếu là do bệnh lý thì dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội thì người đó vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao so với những người khác. Khi ham muốn bản năng quá lớn và lấn áp lý trí, đạo đức đến mức độ bị bệnh thì họ rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm.
Bởi vậy, về lâu dài thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp hành chính là thiến hoá học để kiểm soát nguyên nhân điều kiện phạm tội, giảm nguy cơ xâm hại tình dục ở những người có bệnh lý về tình dục thì mới đảm bảo an toàn cho xã hội.