Bé 9 tuổi bị hoại tử đôi chân vì đắp thuốc nam chữa bỏng

16-05-2019 06:54:36

Bệnh nhi vào viện với vết bỏng vùng kheo chân và vùng cẳng chân chảy dịch mủ có mùi hôi thối, da bẩn... vì đắp thuốc nam chữa bỏng.


Bệnh nhi bị hoại tử chân do đắp thuốc nam trị bỏng

Ngày 16/5, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.V.A. (9 tuổi, quê huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) bị hoại tử chân do đắp thuốc nam trị bỏng.

Bệnh nhi vào viện với vết bỏng vùng kheo chân và vùng cẳng chân chảy dịch mủ có mùi hôi thối, da bẩn, đen két vào vết bỏng. Vận động gối hai bên chân khó khăn, gối cứng, hai cẳng chân nhiễm trùng nặng.

Người nhà bệnh nhi cho biết, do sơ ý khi chơi tại nhà bé đã vô tình làm cháy can cồn dẫn đến bị bỏng nặng cả hai chân. Sau khi bị bỏng gia đình để bé ở nhà điều trị ở nhà do có người quen thường xuyên chữa bỏng cho bà con trong làng bằng thuốc nam. Nhưng sau 14 ngày điều trị tại nhà, bé kêu ngày càng đau, vết bỏng có mùi hôi thối, chảy dịch và bé không đi lại được gia đình đưa bé đến bệnh viện tuyến huyện điều trị và được khuyên đưa lên tuyến trên điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được sát khuẩn chuyển phẫu thuật làm sạch vết thương. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị bỏng toàn bộ vùng cẳng chân và kheo hai chân, nhiễm trùng nặng, có hỗn hợp chất bẩn màu đen (thuốc nam) cùng giấy bết dính kèm mủ két dính chặt vào hai chân.

Bác sỹ trực tiếp tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Bệnh nhi bị bỏng ở mức độ II nếu sau khi bị bỏng đến bệnh viện xử lý vết thương ngay thì thời gian phục hồi sẽ nhanh chóng tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi. Nhưng do không được điều trị đúng cách bệnh nhân hiện tại bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Bệnh nhi bị bỏng vùng kheo và cẳng chân và thời gian đắp thuốc nam rất dài nên vùng khớp gối đã bị cứng, khó khăn khi đi lại, sau khi điều trị ổn định vết bỏng bệnh nhi cần được điều trị phục hồi chức năng đi lại, khôi phục khớp gối.


Các bác sĩ phẫu thuật làm sạch vết thương cho bệnh nhi

Xử lý các vết bỏng thế nào để tránh nguy hiểm?

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết thời gian qua liên tục tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp thuốc nam điều trị. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.

Các bác sỹ khuyến cáo tới người dân, khi bị bỏng trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bỏng điện, bỏng hóa chất cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn về tim mạch. Nếu có bọng nước, kết vảy không bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm sâu, làm sạch chất bẩn trên vết bỏng, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.

Tuyệt đối không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //