Thâm nhập đường dây làm bằng giả siêu tinh vi: Lừa được cả công chứng Nhà nước?
Những người làm bằng giả quả quyết tấm bằng do họ sản xuất có thể dễ dàng qua mặt các phòng công chứng, thậm chí còn sẵn lòng... công chứng trước cho khách hàng 5 bộ để làm tin.
Không ưng… không lấy tiền!
Như thông tin ở bài viết trước, sau đúng 2-3 ngày như đã hẹn, tôi nhận được một cú điện thoại từ phía công ty chuyển phát nhanh, báo có bưu kiện chuyển tới theo kiểu COD (giao hàng thu tiền hộ). Theo đó, đơn vị chuyển phát nhanh này đề nghị tôi tới tận nơi để lấy hàng, với lý do "nhân viên bận không giao được".
Phong bì chuyển phát nhanh bộ bằng giả
Tôi khá bất ngờ khi địa chỉ giao hàng lại là chi nhánh của một hãng chuyển phát nhanh quen thuộc. Báo tên tuổi và yêu cầu nhận hàng, cậu nhân viên hỏi thẳng: "Có phải anh đến lấy bằng không?".
Thấy tôi gật đầu, anh chàng vừa lúi húi mở thùng đựng bưu phẩm vừa "buôn chuyện": "Em biết ngay mà. Tháng nào bọn em chả làm mấy chục cái đơn hàng kiểu này. Lát anh nhớ xem thật kỹ nhé, vì đồng ý mua rồi là không lấy lại được tiền đâu. Bọn em chỉ thu tiền hộ, anh ký vào là coi như xong luôn đấy!"
Nhìn vào thùng đựng bưu phẩm, tôi giật mình khi thấy những chồng phong bì to cùng màu nằm xếp lớp đầy phía bên trong. Ước tính sơ sơ phải có chừng vài chục bộ giấy tờ đang nằm sẵn trong "kho" đợi người tới lấy.
Anh nhân viên thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi bèn giải thích thêm: "Hầu như ngày nào cũng có người tới lấy đó anh. Tụi này làm ăn lớn lắm, giấy tờ gì tụi nó cũng làm được hết. Mà kể cả thanh toán rồi nhưng phát hiện ra có lỗi gì, anh báo lại là nó sẽ làm đền anh một bộ mới không tính tiền. Uy tín lắm!".
Bảng điểm cũng được làm giả tinh vi
Tôi tò mò hỏi liệu có ai tới xem nhưng không lấy hay không, cậu nhân viên gật đầu: "Cũng có nhiều chứ anh. Họ không hài lòng, thấy chưa đúng hoặc phát hiện ra sai sót gì là bỏ không lấy nữa. Nhưng phải tới phân nửa khách hàng sau khi xem xong đồng ý lấy. Chỉ cần vậy là họ cũng sống khỏe re rồi."
Cầm chiếc phong bì dày cộm trao cho tôi, cậu nhân viên cẩn thận dặn dò: "Anh cứ ngồi ngay tại đây xem cho chắc chắn. Không việc gì phải vội vàng cả. Tiền cả đấy." Tôi cười, trêu: "Thế mà cứ kêu thì thầm như buôn hàng giả, có đúng đâu nhỉ? Ngồi đàng hoàng buôn bán hẳn hoi thế này cơ mà!".
Nghe tôi nói vậy, anh nhân viên cười ngất, bảo: "Có cái gì mà sợ hả anh? Bọn em chỉ là dịch vụ chuyển phát, họ cũng chuyển phát giấy tờ bình thường chứ đâu phải hàng cấm hay ma túy? Làm sao bọn em phát hiện ra đây là bằng giả hay bằng thật? Cứ đưa cho đúng người, thu đủ tiền là được mà anh".
Bằng đại học giả được làm theo mẫu cũ, có dán ảnh của Đại học Văn hóa TP.HCM
Tôi cũng gật gù theo. Quả thật, khép kín và tinh vi tới mức này thì đúng là... an toàn quá mức thật. Toàn bộ quy trình hoàn toàn diễn ra trên mạng, thông qua các cuộc điện thoại và người trung gian, còn khách hàng cũng như người bán không một lần gặp mặt.
Hèn gì, cả người bán, “chân rết” lẫn người vận chuyển đều hết sức tự tin, bởi mỗi bên đều đã tìm ra khe hở để mà lách luật.
Thậm chí, thông tin về người nhận tiền bên kia cũng chỉ có tên và số điện thoại. Không có bất cứ thứ gì giúp xác minh hay tìm ra kẻ giấu mặt phía sau. Nhất là khi kẻ nhận tiền cũng chỉ là một "chân rết" thứ cấp làm nhiệm vụ thu và nhận, chứ cũng hoàn toàn không hay biết điều gì khác về "chủ nhân" phía sau tất cả!
Bao luôn cả… công chứng!
Một trong những lời quảng cáo có sức nặng nhất từ phía các dịch vụ giấy tờ chính là "bao công chứng". Những người này quả quyết tấm bằng đại học do họ sản xuất có thể dễ dàng qua mặt các phòng công chứng, thậm chí còn sẵn lòng... công chứng trước cho khách hàng 5 bộ hồ sơ để làm tin.
Bản công chứng bằng đại học của phòng công chứng quận 1, TP.HCM
Không biết lời quảng cáo trên có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng nếu tận mắt nhìn những tấm bằng đại học giả này, người ta cũng khó lòng phát hiện ra chúng là "hàng giả".
Không nói tới những thứ đơn giản như công nghệ in ấn, con dấu, tới những thứ chuyên dùng để chống giả mạo như tem 7 màu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tấm bằng đại học này... cũng có. Dấu nổi dập trên bằng tốt nghiệp đại học những năm 2010 trở về trước cũng được làm hết sức tinh vi và giống hệt như bằng thật.
Con tem 7 màu của Bộ Giáo dục và Đào tạo dùng để phân biệt bằng thật, giả
Các lỗi chính tả, dịch thuật không hề tồn tại như những gì người ta thường đồn đại. Có thể nói, nếu nhìn bằng mắt thường, không thể phân biệt nổi bằng giả và bằng thật khác nhau ở chỗ nào.
Lời cam kết "bao công chứng" mà những người làm dịch vụ này đưa ra xem chừng cũng không hề… "nổ". Với sự tinh vi của những chiếc bằng giả này, có lẽ các phòng công chứng cũng khó lòng phát hiện ra chúng là "hàng nhái".
Theo nhiều nguồn tin, số tiền đầu tư mà những nhóm chuyên làm giấy tờ giả này bỏ ra cho những cỗ máy in hiện đại không hề ít, có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Chính bởi vậy, chúng có khả năng mô phỏng gần như hoàn hảo các loại giấy tờ vốn dĩ không hề khó bị giả mạo tại Việt Nam.
Dấu in nổi trên bằng tốt nghiệp đại học mẫu cũ, từ năm 2010 trở về trước
Trên thực tế, lỗi thường gặp nhất ở những tấm bằng đại học giả kiểu này chỉ là sai... tên hiệu trưởng. Mỗi thời kỳ, hiệu trưởng của các trường đại học lại là một người khác nhau, tuy nhiên những kẻ làm bằng giả thì không thể nào nhớ được điều đó.
Chính bởi vậy, thường thì người ký trên mọi tấm bằng đại học giả đều là hiệu trưởng đương nhiệm, bất kể tấm bằng đó có được ghi năm 2008, 2009 hay nhiều năm về trước nữa. Có điều, đây cũng là một lỗi rất khó phát hiện, đặc biệt với những bằng đại học thuộc các trường nhỏ, ít được biết tới.
Thậm chí với cả chính "khách hàng" đôi khi cũng mơ hồ về chi tiết này và hồn nhiên cầm tấm bằng giả với niềm tin "sắt đá" rằng chúng hoàn toàn... như thật.
Trái đắng cho những người học thật
Với công hệ hiện đại nắm trong tay, có thể nói không một loại giấy tờ nào mà những kẻ làm "dịch vụ" này không làm giả nổi. Tuy nhiên, chúng cũng rất khôn ngoan và tinh quái khi tuyên bố không nhận làm giả các loại bằng cấp của ngành quân đội, công an và y tế.
Thực chất, không phải những người này "có tâm" hay biết nghĩ cho xã hội, mà là bởi bằng cấp của những ngành này rất nhạy cảm và dễ bị tra cứu nếu chẳng may lộ ra.
Ngoài số ít loại bằng "chống chỉ định" này thì tất cả các loại giấy tờ còn lại đều được những cơ sở này chấp nhận. Từ những loại giấy tờ phổ biến như bằng tốt nghiệp trung học, cao đẳng, đại học cho tới những loại bằng cao cấp hơn như thạc sĩ, tiến sỹ, bằng của nước ngoài hay thậm chí giấy chứng minh tài chính, chứng minh thư, các loại giấy chứng nhận, tất cả đều có thể được làm giả theo một cách tinh vi không kém.
Tất nhiên, với mỗi loại giấy tờ khác nhau, mức giá đưa ra cũng hoàn toàn khác biệt. Thậm chí, với những giấy tờ thuộc dạng đặc biệt như bằng tiến sỹ, thạc sĩ hay các giấy tờ chứng minh tài chính, giá cả có thể đội lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, mức giá ấy vẫn không ngăn cản việc có rất nhiều "khách hàng" tìm tới các dịch vụ này mỗi ngày.
Tôi bất giác giật mình khi làm một phép tính nhẩm nhanh: Tại một điểm giao nhận có quy mô khá nhỏ tại Hải Phòng đã có thể bắt gặp hàng chục bộ giấy tờ, bằng cấp giả đang chờ người nhận thì trên cả nước, liệu mỗi ngày sẽ có bao nhiêu phi vụ giao dịch được hoàn thành?
Ở những tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội - nơi mà nhu cầu bằng cấp còn nhiều gấp bội so với Hải Phòng, liệu rằng có thể thống kê nổi bao nhiêu "cử nhân giả" ra đời nhờ những giao dịch bán - mua qua mạng?
Và cuối cùng thì, trong số hàng ngàn hàng vạn cử nhân đầy rẫy ngoài xã hội kia, ai là kẻ đã trải qua 4-5 năm đèn sách, ai là cử nhân 1-2 ngày?