Bạn sẽ cư xử thế nào nếu một ngày bạn đời mắc bệnh nan y?
Khi vợ hoặc chồng mắc bệnh nan y, gia đình dễ lâm vào bi kịch bởi sự bế tắc, khốn cùng cả về vật chất lẫn tinh thần. Liệu trong khó khăn ấy, họ có thể cùng nhau vượt qua sóng gió hay để thử thách nhấn chìm tổ ấm?
Chăm sóc người ốm nặng thật vô cùng vất vả. Ảnh: Dân trí
Khi bệnh án trở thành "bản án"
Thời gian đầu mới phải chạy thận, anh Hưng khóc suốt vì thương vợ con, đặc biệt là người vợ tảo tần mới 40 tuổi mà già xọp hẳn đi vì gánh nặng gia đình. "Lúc bệnh hoạn mới biết tình người", anh Hưng thường tâm sự như vậy. "Vợ tôi một mình cáng đáng chuyện tiền nong, chăm sóc hai đứa con dại, vậy mà vẫn chăm sóc chồng tận tình, không một lời cáu bẳn. Tôi biết vợ khổ lắm, nhưng cô ấy lúc nào cũng tươi cười bảo anh cứ yên tâm điều trị, em lo được", anh Hưng xúc động kể.
Từ buổi ấy đến giờ đã 5 năm. Bây giờ anh Hưng cũng khóc suốt khi có người hỏi đến, nhưng là vì tuyệt vọng. Vợ anh đã bỏ đi từ 2 năm trước vì không chịu nổi nỗi cơ cực và tương lai mịt mù. Chị mang theo đứa con gái út, để đứa con trai 17 tuổi ở lại chăm bố.
Trong lá thư để lại, chị quá nhục nhã vì trở thành người đàn bà dâm đãng, hư hỏng trong mắt mọi người, nhưng anh Hưng hiểu, chị không chịu nổi cuộc sống này nữa, chị muốn chạy trốn, muốn được giải thoát, muốn có cơ hội và hy vọng mới. Chuyện bị bắt quả tang ngủ với ông bác sĩ nơi chồng chạy thận và bị gia đình chồng sỉ mắng, bêu riếu chỉ là giọt nước tràn ly, và cũng là cái cớ để chị ra đi.
Bản thân anh Hưng không dám trách vợ một câu vì anh biết, sự sống của anh vẫn còn là nhờ chị. Vợ anh ngủ với bác sĩ có lẽ vì thiếu thốn tình dục từ khi chồng bệnh tật, nhưng có lẽ cũng vì muốn “trao đổi” với ông ta khi chưa có tiền trả viện phí cho chồng. Anh biết việc đó trước khi gia đình anh phát giác, nhưng đã im lặng, ngậm đắng nuốt cay, thế mà rồi cũng không giữ được vợ.
Từ hồi vợ đi, anh em của Hưng phải cáng đáng chi phí chữa chạy cho anh. Họ cũng khó khăn, vợ con mặt nặng mày nhẹ, nên nhận được một đồng hỗ trợ là Hưng phải cay cực khóc thầm cả xô nước mắt. Nhiều lúc, anh muốn chết cho xong.
Những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài là tốn kém và cái chết là một kết cục tất yếu như anh Hưng không chỉ đối mặt với nỗi đau bệnh tật, sự túng thiếu về tiền bạc mà còn đứng trước nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc tan vỡ cả khi vợ chồng không ly dị hay ly thân, như chuyện ông Hạnh, 57 tuổi, người mắc bệnh ung thư dạ dày. Khi còn khỏe mạnh, ông là trụ cột, là "máy in tiền" cho cả nhà.
Nhưng khi bệnh tật quật ngã khiến ông không kiếm tiền được nữa, người vợ trẻ vốn rất nồng nhiệt, đáng yêu bỗng trở nên lạnh lẽo và cay nghiệt. Chẳng những không chăm sóc tử tế, chị còn oán trách số phận ngược đãi chị, đang tuổi xuân hơ hớ lại phải phục vụ một ông già bệnh tật, không biết chết lúc nào, rồi đây đời chị sẽ bơ vơ...
"Những dòng chữ trong bệnh án của bác sĩ đã trở thành bản án tử hình cho tôi, không chỉ vì bệnh tật sẽ lấy mạng tôi mà vì nó còn lấy đi hết tình nghĩa vợ chồng", ông Hạnh nói. Với số tài sản tích cóp trước đây, ông Hạnh không đến nỗi chẳng có tiền chữa trị. Tuy nhiên, mỗi khi bỏ ra một đồng cho chồng, vợ ông - người lâu nay ông tin tưởng giao quản lý tài sản - lại tiếc đứt ruột và hắt hủi chồng nhiều hơn. Bởi trước viễn cảnh ở góa, chị muốn giữ rịt tiền bạc để bảo đảm tương lai cho mình.
Tính mạng có thể không giữ nổi, nhưng tình nghĩa mãi còn
Ảnh minh họa
Cũng mắc bệnh ung thư và gia đình luôn chìm trong bóng tối của những trận mắng mỏ và nước mắt nhưng với ông Dũng, nguồn cơn là những cơn "khó ở" của chính ông. Kể từ khi phát hiện bệnh và biết mình khó sống lâu, ông như biến thành người khác. Từ một người hiền lành, điềm đạm, luôn nghĩ cho vợ con, ông trở nên soi mói, khắc nghiệt, coi việc hành tội người thân làm niềm an ủi. Con cái đứa đi học, đứa đi làm, rốt cục mục tiêu cho ông trút nỗi oán hờn số phận chính là vợ.
Bà Đức, vợ ông, bị mắng nhiếc, hạch sách thường xuyên. Cốc nước bà lấy cho ông bị chê không nóng thì lạnh, bát cháo không mặn thì nhạt. Cho dù bà phục vụ ông cả đêm lẫn ngày, không lúc nào ngơi tay hay cau có, ông vẫn nhắc đi nhắc lại: "Bà muốn tôi chết lắm phải không, để còn rảnh nợ đi lấy chồng khác? Bà không phải đợi lâu đâu, sắp rồi". Và lúc ông cần ăn, nếu bà chậm chân một chút, ông sẽ đổ ngay cái tội cố tình bỏ đói cho ông chóng chết...
Nghe ai mách thứ gì tốt cho người ung thư là ông bắt mua bằng được, bất chấp việc thứ đó chưa hề được chứng minh công dụng và nhà không còn tiền. Nếu không chiều, ông sẽ làm om sòm, sẽ tuyệt thực, sẽ chửi mắng là vợ con muốn giết mình.
Nhiều người nhìn cảnh đấy trách ông Dũng không biết thương vợ, nhưng bà thanh minh cho chồng: "Ông ấy khổ quá, đau quá nên mới thế, hết phẫu thuật lại đến hóa trị, xạ trị. Ông ấy biết mình không sống được bao nhiêu nữa nên ghen với những người khỏe. Tôi có thương đến đâu cũng không chịu đau thay cho ông ấy được, không chia bớt tuổi thọ cho ông ấy được.
Nghĩ đến chuyện mình sẽ phải chết, còn mọi người vẫn tiếp tục sống vui vẻ với nhau, ông ấy hận, tiếc đời, rồi trút nỗi hận đó lên vợ con. Đôi lần bị hành quá, tôi buột miệng kêu khổ, ông ấy bảo bà khổ đã bằng tôi chưa, khổ cũng có đến nỗi chết người đâu. Tôi nghĩ cũng phải, nên càng cố gắng chăm sóc chồng".
Thực ra nhiều lúc, bà Đức cũng thấy kiệt quệ, muốn buông xuôi, cảm thấy mình không thể chịu đựng được nữa. Có lúc tranh thủ lúc con trai chở chồng vào bệnh viện, bà ngồi khóc hu hu một trận để lấy sức tiếp tục "trường kỳ kháng chiến". Cứ thế, bà một dạ chăm chồng cho đến lúc ông qua đời. Giai đoạn cuối, khi biết cuộc sống của mình chỉ còn tính bằng ngày, ông Dũng chấp nhận số phận và thôi hành vợ. Ông dành thời gian dặn dò, tâm tình với vợ, bày tỏ tình yêu thương và biết ơn... Rồi ông nắm tay vợ ra đi thanh thản.
Bà Đức thấy may mắn là mình vẫn vững lòng để trọn vẹn với chồng đến giây phút cuối, để ông bình an ra đi, bà cùng các con không có gì phải ân hận vì cả gia đình đã nắm tay nhau trọn tình trọn nghĩa cho đến phút chia ly.
Một chuyện cảm động khác về một phụ nữ bị ung thư vú, chị Mai, 27 tuổi. Không chỉ mất toàn bộ ngực, chị còn bị héo úa cơ thể, đầu mất sạch tóc do hóa trị và chị hết sức tự ti với chồng vì điều đó. Để vợ yên tâm rằng gia đình luôn sát cánh bên mình, chồng chị Mai, dù là giảng viên đại học, cũng cạo nhẵn mái tóc của anh và con trai để “cả nhà mình đều trọc như nhau, để mẹ không lo đội tóc giả khi đi ngủ nữa”.
Người chồng ấy đã bán nhà để lấy tiền chữa cho vợ, chịu đựng những cơn trái tính trái nết triền miên của chị Mai, và còng lưng làm việc, dày mặt vay tiền… Tất cả sự hy sinh đó thật bõ công khi chị Mai được bác sĩ khẳng định là khỏi bệnh.
Những người đã cùng bạn đời vượt qua bệnh tật hiểm nghèo đều nói rằng, thử thách đó gian nan đến mức chính họ cũng không hiểu sao mình vượt qua nổi, nên thật khó để tư vấn cho những người đồng cảnh là phải làm thế nào. Chỉ có một điều rất “sách vở” nhưng thực ra là bí quyết duy nhất: Làm tất cả những gì có thể cho bạn đời, người từng “đồng cam” và bây giờ là lúc “cộng khổ”, để không bao giờ phải ân hận dù có chiến thắng được bệnh tật hay không. Nếu không có tình yêu, sẽ không gia đình nào đủ nghị lực để vượt qua thử thách sinh tử ấy.