Bắc Giang: Hàng chục giáo viên mầm non bị xếp sai bậc lương?

05-06-2018 15:07:54

Nhiều giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) đồng loạt gửi đơn khiến nại đến cơ quan chức năng. Các giáo viên cho biết, họ bị xếp sai bậc lương, không được xem xét đúng với những chế độ, chính sách của Nhà nước mà mình đáng được hưởng…

Quyền lợi giáo viện không được đảm bảo?

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận (SN 1962, nguyên Hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Lý, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) cho biết: "Tôi công tác từ năm 1985 và tham gia đóng bảo hiểm từ năm 1995, số năm đóng bảo hiểm đã hơn 20 năm. Cho đến thời điểm nghỉ hưu, đáng lẽ theo Thông tư 09 thì tôi phải được hưởng lương bậc 9, bậc 10, nhưng vẫn chỉ được bậc 4".

Theo cô Thuận, cô nghỉ hưu từ tháng 3/2017 và cô nhận lương hưu "sốc" với chỉ vẻn vẹn hơn 1 triệu đồng/tháng. Cô Thuận nói rằng, sở dĩ cô chỉ nhận được mức lương như vậy là do cách tính bậc lương sai.

Không chỉ cô Thuận, nhiều giáo viên đang công tác tại nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Lục Nam cũng cho rằng, họ đang bị tính sai về bậc lương.

Một giáo viên (xin được giấu tên) bức xúc phản ánh : UBND huyện Lục Nam đã áp dụng sai cách tính bậc lương cho chúng tôi, có những người thâm niên công tác lâu năm thì lương lại không bằng những người có thâm niên công tác ít hơn. Thậm chí có trường hợp, giáo viên có 7 năm công tác và giáo viên có 17 năm với cùng trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ lại đều xếp cho lương bậc 1…

Các giáo viên cho biết, họ đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại trực tiếp và cả gửi đơn thư đến Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Lục Nam nhưng không được xem xét và giải quyết.


Cô giáo Nguyễn Thị Thuận

Theo Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/03/2013 Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 thì nội dung hỗ trợ đối với giáo viên được áp dụng từ ngày 1/1/2012, quy định như sau:

“Nguyên tắc xếp lương: Căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đã đạt được tương ứng với từng thời điểm trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng mà chưa được tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) sau khi trừ đi thời gian tập sự theo quy định để thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non như sau:

Cứ sau thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng, đại học và cứ sau thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ trung cấp được xếp lên 01 bậc lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Như vậy, căn cứ tính bậc lương cho các giáo viên theo chức danh nghề nghiệp là tính theo thâm niêm làm việc. Thực tế, đa số các giáo viên phản ánh tới Đời sống Plus đều làm nghề từ những năm 1990, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trung cấp cao đẳng hoặc đại học sư phạm mầm non và có tham gia đóng BHXH bắt đầu kể từ thời gian công tác.

Theo quy định trên cứ sau thời gian 02 năm công tác có đóng BHXH thì được tính 01 bậc lương đối với giáo viên có trình độ trung cấp, 03 năm công tác có đóng BHXH thì được tính một bậc lương đối với giáo viên có trình độ Cao đẳng, Đại học.

Khiếu nại của giáo viên là có cơ sở

Liên quan đến những thắc mắc của các giáo viên mầm non tại huyện Lục Nam, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty luật Đại Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ) nói rằng, việc các cô giáo mầm non khiếu nại việc sắp xếp bậc lương không đúng, gây thiệt hại về quyền và lợi ích cho bản thân các cô là hoàn toàn có căn cứ.


Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Luật sư Tuấn dẫn chứng theo Quyết định của Thủ tướng và theo thông tư 09 của Liên bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cũng đã quy định rất rõ, sau khi trừ đi việc tập sự, các cô sẽ được tính theo thời gian cống hiến để xếp bậc lương. Tuy nhiên ở Lục Nam đã không thực hiện việc sắp xếp đúng bậc lương các cô đúng với thời gian công tác, do đó đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cô.

"Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cần khẩn trương giải quyết khiếu nại, việc xem xét để sắp xếp lại bảng lương cho các cô giáo. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định 06, xác nhận việc thời gian các cô đã đóng bảo hiểm để tính lương. Tuy nhiên trước đây huyện Lục Nam và Sở nội vụ Bắc Giang đã ko sắp xếp bậc lương cho các cô là hoàn toàn chưa đúng các quy định, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của các cô giáo", luật sư Tuấn nói.

Cũng theo luật sư Tuấn: "Việc huyện Lục Nam không tính đúng bậc lương không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các cô giáo mà con thể hiện UBND Lục Nam và các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bắc Giang đã không thực hiện triệt để, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như  Nghị định của Chính phủ.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, mục đích của Chính Phủ giành các ưu đãi cho giáo viên mầm non nhằm làm sao phục vụ xã hội tốt nhất, cụ thể đây là việc chăm sóc các cháu ở độ tuổi mầm non. Việc đó ko những vì tương lai thế hệ trẻ, còn nhằm giảm gánh nặng xã hội và tạo sự yên tâm đối với những người lao động có con đang ở độ tuổi mầm non".

Đời sống Plus sẽ tiếp tục cập nhật.


Xem thêm: Vụ nữ sinh bị trường đại học sân khấu điện ảnh: Giật mình tiếng la hét trong đêm

Minh Hải
Theo Đời sống Plus/GĐVN //