AAG lại trục trặc, nhà mạng trấn an khách bằng các đường cáp mới
Tuyến cáp quang biển AAG đã bị sự cố do ảnh hưởng bão trên biển vào chiều nay 27/8/2017.
Nguồn tin cho ICTnews hay tuyến cáp quang biển AAG đã bị sự cố do ảnh hưởng bão trên biển vào chiều nay 27/8/2017. Nguồn tin cho biết, khả năng tuyến cáp quang này đã bị đứt. Tuy nhiên, phía FPT Telecom lại cho rằng còn quá sớm để khẳng định tuyến cáp quang bị đứt hoặc do hệ thống thiết bị vận hành.
Trước thông tin tuyến cáp quang biển bị sự cố, một nhà mạng chia sẻ với ICTnews rằng trong suốt thời gian vừa qua tuyến cáp quang biển AAG đã bị sự cố nhiều nên các nhà mạng đã đầu tư thêm nhiều tuyến cáp biển mới.
Cáp biển AAG lại gặp sự cố ngày 27/8. Ảnh: Công Nghệ Việt
Trước đó, vào tháng 2 vừa qua tuyến cáp quang biển AAG đã xảy ra sự cố đứt cáp cập bờ khu vực Hồng Kông, ảnh hưởng lưu lượng internet quốc tế trên tuyến cáp AAG. Sau đó, phải đến ngày 10/4 tuyến cáp biển AAG mới được khôi phục xong.
Được biết, Việt Nam có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, có chiều dài hơn 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2,88 Tb/s, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
Hiện tại, tuyến cáp quang biển AAG đang được nhiều nhà mạng sử dụng như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, SPT...
Cáp quang biển AAG đã bị sự cố nhiều nên các nhà mạng hiện đầu tư thêm nhiều tuyến cáp biển mới. Ảnh: Kinh Tế Đô Thị
Trong bối cảnh AAG (Asia America Gateway) - tuyến cáp đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế những năm qua liên tục gặp sự cố, việc tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) chính thức vận hành từ cuối năm ngoái đã được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp kết nối mạng Internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh và ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển AAG.
Một số nhà mạng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai sử dụng tuyến cáp quang biển APG, có băng thông 54 Tb/s, gấp nhiều lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG. Tổng chiều dài tuyến cáp APG là 10.400 km, có giá trị đầu tư toàn tuyến khoảng 600 triệu USD.