8X và thương hiệu Cua Một Càng doanh thu mỗi tháng gần 10 tỷ đồng
Bốn nhà hàng của đôi bạn 8x ở TP HCM cho doanh thu mỗi tháng gần 10 tỷ đồng, với 3.000 lượt khách một ngày.
Bốn nhà hàng của đôi bạn 8x ở TP HCM cho doanh thu mỗi tháng gần 10 tỷ đồng.
Giám đốc điều hành Trần Tuấn Kiệt cho biết, doanh thu chủ yếu của hệ thống nhà hàng đến từ cua một càng. Đây là những con cua thịt bị gãy mất một càng vì nhiều lý do. Giá trị thương phẩm không cao bằng cua 2 càng nhưng chất lượng như nhau. Giá cua một càng bằng 70% so với cua hai càng.
Người dân đa phần giữ lại để ăn vì không ai thu mua. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này có lợi cho người tiêu dùng và nhà nông, đầu năm 2014, anh bỏ vị trí giám đốc kinh doanh tại một ngân hàng nước ngoài, về quê Cà Mau tìm hướng làm ăn.
Mấy tháng liền, anh học cách nuôi, bắt và bảo quản loại hải sản này, tìm kiếm các vựa cua làm nhà cung cấp. Tháng 9/2014, nhà hàng đầu tiên trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP HCM) ra mắt, mang tên "Quán ăn đối chứng Cua Một Càng". Hai thành viên sáng lập là anh Trần Tuấn Kiệt và Trần Thanh Tuyền.
Anh Kiệt cho biết tên quán đã nói lên sự cam kết về sản phẩm, khách hàng có thể thưởng thức và đổi trả tại chỗ nếu không đạt chất lượng.
CEO Trần Tuấn Kiệt.
Khách chọn cua ngay tại kệ, đầu bếp chế biến theo yêu cầu của mỗi người. Tại đây, ngoài cua một càng, còn có 9 loại cua với giá khác nhau. Cua một càng rẻ nhất, thường hết hàng sớm, vì mỗi ngày chỉ gom được vài chục kg.
“Chúng tôi muốn mọi người thay đổi quan niệm đây là món ăn xa xỉ. Với cua một càng và nhiều loại cua khác, bạn có thể thưởng thức theo túi tiền của mình”, doanh nhân 8x nói thêm.
9 tháng đầu khởi nghiệp thì hết 3 tháng lỗ và 6 tháng hòa vốn. Khách hàng phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt, khẩu vị chế biến không ổn định. Anh liên tục đào tạo nhân viên, cải thiện phong cách phục vụ, thực đơn. Đến tháng thứ 10, tín hiệu dần khởi sắc với doanh thu 600 triệu đồng, bắt đầu có lãi.
Năm 2016, anh Kiệt mở thêm 3 nhà hàng. Mỗi ngày, doanh nghiệp nhập 500-600 kg nguyên liệu từ gần 50 nhà cung cấp. Cua phải trải qua 3 bước kiểm tra từ vựa ở Cà Mau, điểm tập trung của đơn vị ở TP HCM và các điểm bán rồi mới xuất hiện trên kệ. Có hẳn một đội ngũ chỉ chuyên chọn những con ngon nhất.
Anh nói không với cách bán cua mà chỉ riêng sợi dây đã chiếm 20-25% trọng lượng như trên thị trường, vì ảnh hưởng đến quyền lợi người mua và không minh bạch. Doanh nhân 8x nghĩ cách giảm bớt trọng lượng dây. Anh dùng loại dây thật mỏng nhưng đủ chắc để buộc chặt những con cua còn sống, nên hầu như không ảnh hưởng đến trọng lượng thực của cua.
Cua được buộc bởi sợi dây mỏng.
Nhận thấy thói quen ăn cua của người tiêu dùng khá đơn giản với món hấp hoặc nướng, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu chế biến món mới và thực đơn hiện tại có hơn 50 món làm từ cua biển.
Đam mê với ngành dịch vụ ăn uống, mong muốn đem đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mới về loại đặc sản quê hương là cua biển Cà Mau nên với anh, khởi nghiệp khi đã trên 30 tuổi không phải là trễ.
Hiện tổng doanh thu từ 4 nhà hàng đạt gần 100 tỷ đồng một năm. Ngoài ra, anh còn phát triển mô hình bán trực tiếp cua biển đến hộ gia đình, tiệc tại gia, công ty, bán sỉ cho các nhà hàng khác tại TP HCM và các khu vực lân cận.
Từ nay đến cuối năm, chàng trai gốc miền Tây dự kiến mở thêm điểm kinh doanh ở Cần Thơ, Đà Nẵng và có mặt tại Hà Nội vào đầu năm sau. "Chúng tôi dự định đưa thương hiệu Cua Một Càng ra nước ngoài. Để có nguồn lực đi nhanh và xa hơn, tìm quỹ đầu tư cũng là một phương án nhắm tới trong 2018", anh Kiệt cho biết.