48 người đang sống bị "khai tử" do nhân viên y tế thao tác nhầm
BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, 4 trường hợp tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh là do người nhà cầm nhầm thẻ BHYT đi khám chữa bệnh...
Trước phản ánh của BHXH Việt Nam về việc 7 trường hợp tại Gia Lai sau khi giảm chết vẫn phát sinh 12 lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền trên 100 triệu đồng, mới đây BHXH tỉnh Gia Lai đã tiến hành xác minh.
Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, có 2 trường hợp bệnh nhân vẫn đang sống nhưng do người nhà cầm nhầm thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, và người nhà tử vong.
Trụ sở BHXH tỉnh Gia Lai.
Đó là bệnh nhân Rơ Mah H'Ngôi (sinh ngày 4/9/2017, trú tại làng Du Ngo1, xã Ia Dok, huyện Đức Cơ) thể hiện tử vong ngày 4/8/2018 tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, nhưng Rơ Mah H' Ngôi hiện vẫn còn sống, bệnh nhân tử vong tên là Rơ Lan Mlok khi cấp cứu chuyển viện đã mượn thẻ của bệnh nhân Rơ Mah H'Ngôi. Trường hợp thứ hai là Puih ABớt (sinh ngày 1/1/1944, trú tại làng Grang, xã Ia Or, huyện Chư Prông) thể hiện tử vong ngày 6/5/2018, nhưng Puih ABớt đang còn sống, người chết là Puih Phonh (em ruột Puih ABớt) khi đi khám chữa bệnh đã cầm nhầm thẻ của chị gái. Do vậy sau thời điểm bị "khai tử", hai bệnh nhân này vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh.
Ngược lại, có 2 bệnh nhân đã tử vong, nhưng người nhà đã lấy thẻ BHYT của bệnh nhân tử vong để đi khám chữa bệnh.
Đó là bệnh nhân Byoch (sinh năm 1954, trú tại Làng Ch'rong II, Xã Đak Taley, huyện Mang Yang) tử vong ngày 15/11/2018 là đúng, chi phí phát sinh do người nhà là đồng bào dân tộc thiểu số dùng thẻ nhân của bệnh nhân Byoch. Bệnh nhân Kpuih Bơr (SN 1989, trú xã la Vê, huyện Chư Prông) tử vong ngày 17/9/2018 là đúng người, chi phí phát sinh là do người nhà mang thẻ đi khám, cơ sở khám chữa bệnh đối chiếu CMND không kỹ. Đồng thời thẻ này được phát hành tử BHXH huyện Chư Prông, vẫn đang được gia hạn thẻ cho bệnh nhân đến hết 31/12/2019.
Đáng chú ý, cũng theo báo cáo của BHXH tỉnh Gia Lai, có đến 48 trường hợp bệnh nhân còn sống nhưng đã bị "khai tử" trên hệ thống dữ liệu, nguyên nhân được xác định là do nhân viên y tế thao tác nhầm. Trong đó huyện Chư Sê có 4 trường hợp, huyện Đắk Pơ có 9 trường hợp, TP Pleiku có 4 trường hợp...
Báo cáo của Trung tâm Y tế TP.Pleiku xác định 4 trường hợp đang sống bị "khai tử" là do nhân viên y tế bấm nhầm ô "ra viện" thành ô "tử vong".
Theo giải trình của Trung tâm Y tế TP.Pleiku, do trên hệ thống dữ liệu ô "ra viện" nằm liền kề với ô "tử vong". Khi nhân viên y tế bấm vào ô "ra viện" để kết thúc hồ sơ thì lại bấm nhầm vào ô "tử vong".
Trước những rắc rối này, BHXH Gia Lai đang xin ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam để xử lý.