300 doanh nghiệp công nghệ tham gia Smart City Asia 2023

14-04-2023 08:03:05

Sáng 13/4, Diễn đàn và triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2023 lần thứ 2 chính thức khai mạc tại TP.HCM với sự tham gia của 300 doanh nghiệp công nghệ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Sự kiện do Hội Truyền Thông Số Việt Nam, Công ty TNHH Exporum, Viện Sáng tạo và Chuyển Đổi Số, Hội tự động hóa Việt Nam phối hợp tổ chức, cùng sự bảo trợ đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP.HCM... Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 13/4 đến ngày 15/4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC (quận 7, TP.HCM).

Tham gia tại buổi lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi,  chia sẻ: “Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 TP.HCM trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại…, trong đó, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Vì vậy, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình như: Chương trình chuyển đổi số, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM”.

Các đại biểu tham dự tại triển lãm nhấn nút tượng trưng khởi động chuyển đổi số.

Ông Mãi khẳng định, Diễn đàn và Triển lãm quốc tế này sẽ giúp cho hoạt động chuyển đổi số của Thành phố thêm sôi nổi, đặc biệt Thành phố sẽ tiếp thu được nhiều bài học kinh nghiệm thành công của các tỉnh thành, bộ, ngành, các quốc gia trên thế giới, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh".

Diễn đàn và Triển lãm quốc tế "Đô thị thông minh châu Á - SmartCity Asia" hoàn toàn phù hợp với những chủ trương, mục tiêu trọng tâm của TP.HCM hiện nay và trong thời gian tới. Đây là nơi các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế gặp gỡ, chia sẻ các định hướng, chiến lược, giải pháp và công cụ quản lý thực tiễn trong phát triển đô thị thông minh. Đây cũng chính là nơi giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Qua đó, giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết đang được các thành phố quan tâm như: quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường, giáo dục, y tế... phục vụ cho đời sống nhân dân, an toàn và an sinh xã hội ngày càng tốt hơn” – Chủ tịch Phan Văn Mãi kì vọng.

Năm nay, Triển lãm thu hút hơn 400 gian hàng và gần 300 đơn vị trưng bày với tỷ lệ 70% các doanh nghiệp (DN) quốc tế gồm đại diện đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc với các sản phẩm công nghệ liên quan đến smart mobility, nhà thông minh, giao thông thông minh,… các DN công nghệ hàng đầu trên thế giới như: Hewlett Packard Enterprise (HPE), Helvar Pte., PLt, (Phần Lan); Geometa – các giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị thông minh (tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất); Wildfaces.ai (Hongkong), Dahua, Vivotek (Đài Loan), Aunch JD, Vispatial (Singapore),…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày từ phía doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, về khối nhà nước có UBND thành phố với 5 sở ngành liên quan và TP.Thủ Đức, TP.Đà Nẵng. Đại diện Việt Nam có sự tham gia của các Tập đoàn công nghệ viễn thông lớn FPT, VNPT.

Các chủ đề trưng bày xoay quanh các nhóm giải pháp về công nghệ chiếu sáng công cộng; Các hệ thống bảo mật -  An ninh an toàn trong hệ sinh thái thành phố thông minh; Trang thiết bị để xây dựng và quản lý tòa nhà thông minh; Các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất thông minh, tòa nhà  - nhà ở và căn hộ thông minh; giải pháp xử lý môi trường, rác thải thông minh, các ứng dụng digitwin –metaverse trong  quản lý sản xuất, quy hoạch đô thị và hành chính công sẽ tiếp tục được giới thiệu tại triển lãm.

 

Triển lãm hướng đến mục tiêu tạo tiền đề thúc đẩy các quan hệ hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh, từ đó tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua nền tảng công nghệ số. Chính vì vậy tại Triển lãm sẽ diễn ra Diễn đàn Phát triển đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích hiện đại cho Đô thị thông minh, bao gồm các chủ đề: (1) Chiến lược thành phố thông minh Việt Nam – Phát triển Hạ tầng dữ liệu và phân tích hiện đại cho Đô Thị Thông Minh, (2) Dữ liệu và phân tích trong dịch vụ đô thị thông minh, (3)Giải pháp công nghệ cho cuộc sống thông minh, (4)Kết nối đô thị thông minh với nông thôn thông minh.

Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các định hướng, chiến lược, giải pháp, và công cụ quản lý thực tiễn trong phát triển đô thị thông minh.

 

 

 

 

Phương Thảo
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //