18 tiếng đau vật vã và hành trình đi đẻ 'gian nan hơn tưởng tượng' của mẹ 8X tại BV Phụ sản Hà Nội
Ý thức việc mình sinh con đầu lòng khi đã hơi cứng tuổi nên chị Lê Hải Anh đã tích cực chuẩn bị mọi thứ, tập yoga, học lớp tiền sản… nhưng đến khi đi sinh, chị vẫn "sốc toàn tập" vì thực tế khác hoàn toàn so với lý thuyết.
Chị Lê Hải Anh và con gái Nguyễn Lê Mẫn Anh
Chị Lê Hải Anh (sinh năm 1987, ở Hoàng Mai, Hà Nội) vốn có vóc dáng cao lớn (1m64, nặng 55kg), hông to, là dân tập Gym lâu năm. Khi mang bầu, chị được gia đình động viên “nhà mình cơ địa ai cũng đẻ dễ nên con cũng thế thôi”.
Vững tin như vậy cộng với việc chuẩn bị cả “bồ kiến thức” về sinh đẻ, học lớp tiền sản, tập yoga, tập thở thế nhưng khi "khai hoa nở nhụy", chị gần như không áp dụng được gì. 18 tiếng đau vật vã và hành trình đi đẻ "gian nan hơn tưởng tượng" đã cho chị những trải nghiệm đáng nhớ để rồi khi đón con gái trong tay, chị mới thấm thía mọi vất vả trong suốt những tháng ngày vừa qua là hoàn toàn đáng giá.
Quá trình mang thai
Vì mang thai con đầu lòng khi đã ngoài 30 tuổi nên vợ chồng chị Hải Anh hết sức cẩn trọng trong việc theo dõi thai kỳ.
Trong suốt thời gian mang thai, chị Hải Anh đều khám tại phòng khám của bác sĩ Tạ Việt Cường, công tác ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Thông thường, khi khám thai, bác sĩ sẽ hỏi luôn tình trạng dịch âm đạo của thai phụ để nếu có vấn đề sẽ kết hơp cả khám phụ khoa. Chị Hải Anh cho biết, đây là việc rất quan trọng nhưng chưa được nhiều mẹ bầu chú ý đến.
"Nhiều mẹ bầu chỉ khám sản, sợ khám phụ khoa vì nghĩ ảnh hưởng con. Nhưng điều này là sai hoàn toàn. Nếu phần phụ bị viêm nhiễm, có thể viêm ngược lên cổ tử cung và ảnh hưởng đến nước ối và cả em bé nữa. Từ khi bầu, mình bị mất cân bằng độ PH nên luôn phải khám sản và phụ khoa cùng lúc, tháng nào cũng phải đặt thuốc. Đương nhiên, bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc không ảnh hưởng đến sự phát triển em bé.
Cả thai kỳ của mình cơ bản bình thường, tuy nhiên có một lần vào khoảng tuần 32-33, bác sĩ phát hiện bánh rau con mình bị dầy hơn so với bình thường nhưng rất may khi kiểm tra lại kết quả không sao nhưng cũng làm vợ chồng mình một phen hú hồn"- chị Hải Anh kể lại.
Quá trình làm hồ sơ trước sinh
Quá trình làm hồ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với chị Hải Anh là khá đơn giản và nhanh chóng. Theo chị, quan trọng nhất là mẹ bầu cần đến sớm và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ.
"Bảo hiểm của mình ở Bệnh viện Việt Nam - Cuba, bên đó không có có khoa Sản nên mình xin giấy chuyển viện rất dễ dàng. Gần 36 tuần mình mới đi làm hồ sơ sinh ở khoa A2 theo diện bảo hiểm.
7h sáng mình đã có mặt, lấy số thứ tự ngay đầu luôn. Các giấy tờ cần chuẩn bị gồm chứng minh thư, bảo hiểm, giấy chuyển viện, mỗi loại các mẹ nên photo sẵn 3 bản. Tổng chi phí nộp bệnh viện theo bảo hiểm hết tất cả 800.000 đồng", chị Hải Anh cho biết.
Cũng như các mẹ bầu khác trước khi sinh, chị Hải Anh đứng giữa băn khoăn nên sinh ở khu thường hay khu dịch vụ của bệnh viện và hỏi ý kiến bác sĩ theo dõi thai kỳ cho mình để cân nhắc các tình huống.
"Nếu mình đẻ mổ khu thường, đúng ca trực của bác sĩ, bác sĩ sẽ mổ cho mình, nếu mình đẻ thường bác sĩ sẽ nhờ ekip trợ giúp cho. Còn nếu mình đẻ dịch vụ mình sẽ được phép chỉ định bác sĩ đỡ đẻ, mình xác định cố gắng sinh thường nhưng nếu có vấn đề gì thì chuyển sang mổ cũng nhanh."
Đang còn nhiều lưỡng lự thì đến ngày sinh, khi siêu âm, em bé của chị Hải Anh được xác định có cân nặng tương đối lớn khoảng 3,6kg và đường kính lưỡng đỉnh lên tới 97-98 nên chị quyết chọn đẻ dịch vụ để bản thân và gia đình an tâm hơn.
Quá trình đi đẻ gian nan hơn tưởng tượng
Đa số mọi người mang thai con so thường sinh sớm hơn dự sinh nhưng mãi tới 39 tuần 5 ngày, chị Hải Anh mới có dấu hiệu chuyển dạ. Và từ lúc này, chuỗi thời gian vượt cạn gian nan của chị bắt đầu.
"Khoảng 9 giờ sáng thứ 5 mình mới thấy có máu báo nhưng vào viện kiểm tra tử cung chưa mở. Mình lại về nhà. Cả ngày mình vẫn ri rỉ máu báo. 22 giờ đêm, mình đau lâm râm như đau bụng kinh. 0 giờ sáng thứ 6, mình bắt đầu chuyển đau thành cơn luôn, cứ 10-15 phút một lần, mỗi lần 5 giây.
Tầm 1 giờ 30 sáng, lo quá nên mình lục tục vào viện. 2 giờ sáng, bác sĩ kiểm tra cho mình báo mở 1 phân và cho nhập viện vào khoa dịch vụ luôn.
Sau khi xong các thủ tục giấy tờ và đóng viện phí, y tá dẫn mình lên phòng chờ đẻ khoa dịch vụ. Một phòng có 4 giường. Trước khi nhập phòng chờ đẻ, mình sẽ được vào phòng khám dịch vụ, họ sẽ kiểm tra lại độ mở cổ tử cung, đo tim thai và monitor tim thai luôn. Nếu không thấy đẻ luôn thì sẽ tiếp tục ở phòng chờ đẻ."
Từ lúc đó, chị Hải Anh phải trải qua những cơn đau quằn quại đến 12 giờ trưa nhưng tử cung chỉ mở được 2 phân. Mỗi cơn đau giờ dồn dập và lên đến gần 40-50 giây. Đến 6 giờ chiều mà tử cung của chị chỉ mở được 3 phân.
Lúc này, chị Hải Anh đau đến mức gần như bất tỉnh. Vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau này nên phương án dùng thuốc giảm đau không được gia đình chị ủng hộ.
Tuy nhiên lượng sức mình "không thể cố thêm" chị đã chọn tiêm gây tê màng cứng để đẻ không đau và kích mở tử cung nhanh hơn.
Đến gần 8 giờ 30 tối, khi tử cung đã mở hoàn toàn 10 phân, các hộ sinh bắt đầu hướng dẫn chị Hải Anh cách rặn. Lúc này mới nảy sinh một vấn đề là sản phụ dù được học lý thuyết trước đó rất lâu cộng với hướng dẫn tại chỗ nhưng vẫn không biết rặn đẻ.
"Mình đã học lớp tiền sản, ở nhà tập các loại yoga dễ đẻ, học thở các loại mà thực tế với lý thuyết khác xa quá. Mình quay cuồng với việc tập rặn gần 2 tiếng. Khi bác sĩ đến và yêu cầu cắt thuốc giảm đau để mình thấy cơn co và cơn rặn... để rặn cho dễ.
Tầm 10 giờ mình mệt quá, cảm giác không còn sức vì gần 18 tiếng chịu đau và rặn mãi mà các chị hộ sinh vẫn bảo chưa đúng. Khi thấy mệt và buồn ngủ quá mình đã có suy nghĩ hay là xin đẻ mổ nhưng được bác sĩ và y tá động viên mình lại tiếp tục cố gắng tập."
Dùng hết những nỗ lực còn lại, chị lại loay hoay học rặn đẻ và tới 10 giờ 30 tối mới nhận được hiệu lệnh "vàng": “Đẻ thôi! Không chờ nữa!!”.
"Cái váy đụp của viện được quấn lại như dây thừng, một chị hộ sinh quấn chặt, xoắn lại, rồi đè thẳng lên bụng mình, dùng lực ấn con mình ra. Một chị hét lên: “Rặn đi!” Mình sợ quá, rặn theo tiếng hét đấy. 3 lần như thế thì con mình lọt được cái đầu. Lúc đấy bác sĩ vui vẻ, đeo găng tay, bắt đầu rạch và báo người nhà vào! Mẹ mình lo lắng xông vào, được một lúc thì bác sĩ kêu rặn nhẹ, lôi tuột con mình ra và cho da kề da với mẹ luôn".
Nhưng tất cả vẫn chưa dừng ở đó, khi bác sĩ kiểm tra bánh rau vẫn còn thiếu do em bé bánh rau bám dầy nên yêu cầu hộ sinh “Kiểm soát tử cung”. Trong khi chị Hải Anh vẫn đang lơ mơ thì bác sĩ tiếp tục kiểm tra tử cung và móc rau bị sót. Đây có lẽ lại thêm một trải nghiệm khó quên với chị.
"Đời mình chưa bao giờ thấy 'thốn' đến thế. Trong 24 tiếng thì thọc vào kiểm tra gần 20 lần, lần kết cuối thật không thể tả xiết!"- chị Hải Anh ngượng ngùng nhớ lại.
Dù vượt cạn thành công nhưng do chuyển dạ quá lâu, nước ối của sản phụ bị xanh, nên khi hai mẹ con da kề da, em bé phải dùng ống hút hết nước ối trong dạ dày và được chỉ định phải dùng kháng sinh 3 ngày.
Chi phí cho quá trình sinh
Hóa đơn VAT được xuất luôn khi sản phụ đóng các khoản chi phí trước khi nhập viện. Ảnh: NVCC
Từ kinh nghiệm của mình, chị Hải Anh cho biết, nếu xác định đẻ thường khu dịch vụ ngay khi nhập viện sẽ được yêu cầu đóng luôn 18.152.000 đồng trong đó có 10.000.000 đồng là tiền đẻ dịch vụ chọn bác sỹ (được xuất hoá đơn VAT); 152.000 đồng là chi phí khám cấp cứu và thụt tháo và 8.000.000 đồng là tiền đóng ứng trước các chi phí khác cho viện.
Đa số các sản phụ sinh thường có thể xuất viện sau 1 ngày nhưng chị Hải Anh nằm viện thêm 2 ngày vì em bé phải tiêm kháng sinh. Việc này khiến chị phải phải đặt thêm 3.000.000 đồng cho bệnh viện. Loại giường dịch vụ chị lựa chọn là mức 450.000/ngày với các tiện ích: phòng 2 giường, có ti vi, tủ lạnh, điều hòa, nhà vệ sinh riêng.
Dưới đây là chi phí cụ thể cho 3 ngày nằm viện của sản phụ Hải Anh:
Tổng số tiền đóng vào là 20.152.000 đồng, sau thanh toán được hoàn lại 7.480.000 đồng (sản phụ không đăng ký gói tầm soát sau sinh).
Tổng chi phí hết 13.672.000 đồng (đã bao gồm 2.000.000đ tiền thuốc gây tê ngoài màng cứng giảm đau khi đẻ)
Do có có bảo hiểm và giấy chuyển viện đúng tuyến nên chị được bảo hiểm chi trả 1.336.000 đồng.
Cảm nhận của mẹ sau sinh
Mặc dù được đánh giá là ca sinh khó nhưng kết quả mẹ tròn con vuông và không phải sinh mổ khiến chị Hải Anh và gia đình khá hài lòng. Sau khi sinh chị được bác sĩ đỡ đẻ đến tận giường hỏi thăm sức khỏe hai mẹ con, kiểm tra vết khâu và dặn dò người nhà cách ăn uống, chăm sóc sản phụ chu đáo.
Điều duy nhất chị còn chưa hài lòng là việc bệnh viện nên có thêm những hướng dẫn chi tiết hơn về việc bệnh viện sẽ hỗ trợ những gì cho sản phụ và gia đình cần chuẩn bị những gì để tránh trường hợp sau sinh bị thiếu đồ, sản phụ cùng người nhà đều bị động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý sau sinh.
Với mỗi sản phụ nhất là sản phụ "vượt cạn" lần đầu thì có lẽ chuẩn bị bao nhiêu vẫn là chưa đủ, trường hợp của chị Hải Anh cũng không là ngoại lệ.
Chị chia sẻ: "Đúng là mình đã chuẩn bị kỹ càng tất cả mọi mặt nhưng đến lúc đi đẻ vẫn bị "sốc" vì bao nhiêu kiến thức, kỹ năng đẫ học hầu như không vận dụng được gì. Trải qua 18 tiếng đau đẻ không thể nào quên ấy, giờ nghe đến từ "đẻ" mình vẫn còn sợ. Có lẽ phải 5 năm nữa mình mới dám nghĩ đến chuyện đẻ tiếp."
Xem thêm Clip: 7 điều kiêng cữ sau sinh bà đẻ nào cũng phải biết nếu không muốn về già phải trả giá đắt