#11 Mẹo dân gian chữa đau nửa đầu tại nhà, hiệu quả tức thì

09-11-2023 11:03:45

Đau nửa đầu là một trong những triệu chứng phổ biến gặp phải trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Để khắc phục tình trạng này, thay vì việc dùng thuốc giảm đau, nhiều người bệnh lại tìm đến các cách trị đau nửa đầu bằng phương pháp dân gian vì tính an toàn, bài viết này sẽ giúp bạn áp dụng phương pháp đơn giản.

I - 7 cách chữa đau nửa đầu bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà

1. Gừng

Gừng giúp giảm đau nửa đầu nhờ nhờ đặc tính chống viêm hiệu quả. Trong đó, sử dụng gừng để làm trà là một trong những cách phổ biến nhất, giúp thư giãn mạch máu, giảm sưng não.

Cách thực hiện:

  • Gừng tươi đem rửa sạch, thái lát rồi đem đun cùng với nước, cho thêm khoảng 2 thìa đường nâu, đun trong khoảng 5 phút.
  • Lọc lấy nước rồi uống khi còn nóng.

Tuy nhiên đối với những người bệnh bị ợ nóng, miệng đang bị kích ứng, tiêu chảy không nên dùng trà gừng.

2. Lá ngải cứu

Lá ngải cứu cùng là một loại thảo dược trị đau đầu và đau nửa đầu nhờ giúp thư giãn thần kinh.

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Đun nước ngải cứu cùng với sả, lá bưởi, lá khuynh diệp rồi xông mỗi ngày, khoảng từ 15 đến 20 phút.
  • Cách 2: Ngải cứu tươi sau khi nhặt rửa sạch đem giã lọc lấy nước cốt uống, pha thêm với 1 cốc nước lọc và 1 thìa mật ong cho dễ uống.
  • Cách 3: Chế biến các món ăn từ ngải cứu và trứng, ăn khoảng 2 đến 3 bữa mỗi tuần.

3. Xông lá bưởi

Nhờ đặc tính kháng khuẩn, giúp trừ hàn, đả thông kinh lạc lại dễ tìm, lá bưởi cũng thường được nhiều người bệnh sử dụng giúp cải thiện tình trạng đau nửa đầu.

Cách thực hiện:

  • Cách 1: Chọn những lá bưởi tươi cùng với củ hành tím, đem rửa sạch rồi giã nhuyễn. Tiếp đó, đắp hỗn hợp này lên hai bên vùng thái dương và giữ trong 5 - 10 phút, cuối cùng rửa sạch bằng nước.
  • Cách 2: Đun sôi lá bưởi với nước và sử dụng nước này để xông hơi hoặc tắm hàng ngày.

4. Lá tía tô

Lá tía tô đất là một loại thảo mộc được chứng minh có tác dụng giảm đau, an thần, giúp thư giãn thần kinh, từ đó giảm chứng đau nửa đầu hiệu quả.

Cách thực hiện: Lá tía tô đem nhặt rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi nước đã đun sôi, để khoảng 10 phút rồi đem lọc lấy nước uống, có thể cho thêm mật ong cho dễ uống.

5. Lá bạc hà

Lá bạc hà nhờ chứa thành phần menthol được chứng minh giúp làm giảm cơn đau nửa đầu. Chưa kể, mùi lá bạc hà cũng có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng.

Cách thực hiện: Lá bạc hà đem rửa sạch, để ráo rồi xay thành một hỗn hợp sệt, sau đó đắp lên vùng thái dương và vùng trán, để khoảng từ 10 đến 15 phút.

6. Tinh dầu đinh hương

Nhờ có đặc tính hàn, giúp giảm đau tự nhiên, đinh hương đã lâu được biết đến là một thảo dược tự nhiên để giảm đau nửa đầu. Chất eugenol có trong loại dược liệu này có công dụng gây tê, kháng viêm nên giúp trị đau nửa đầu, ngoài ra với hương thơm dễ chịu nên sẽ giúp loại bỏ căng thẳng vô cùng tốt.

Bạn cần chuẩn bị một vài giọt tinh dầu đinh hương, tẩm trong một chiếc khăn lạnh rồi chườm lên trán hoặc thái dương. Các mạch máu sẽ được thư giãn và giãn nở, lưu thông đều hơn nên các triệu chứng đau nửa đầu cũng có thể thuyên giảm sau vài phút.

7. Trà húng quế

Húng quế với dầu húng quế có tác dụng giúp giảm đau, giãn cơ, giảm đau nửa đầu hiệu quả, đặc biệt là chứng đau đầu do căng thẳng.

Cách thực hiện: Lá húng quế sau khi nhặt rửa sạch, cho vào nước sôi thành trà uống, cho thể cho thêm mật ong và chanh để dễ uống hơn.

II - 3 Bài thuốc dân gian trị đau nửa đầu tại nhà hiệu quả

Bài thuốc 1

Chuẩn bị:

  • Lá thầu dầu tía.
  • Lá khoai nước.
  • Lá thanh táo.

Cách thực hiện: Người bệnh chỉ cần giã nát lá thầu dầu tía hoặc lá khoai nước, sau đó đắp lên trán, hoặc có thể sử dụng lá thanh táo kết hợp với ít nước, vò nát và đắp lên trán để kích thích quá trình ra mồ hôi.

Bài thuốc 2

Chuẩn bị:

  • 50g lá sả.
  • 3 - 5 củ tỏi.
  • 50g lá tía tô.
  • 50g kinh giới.
  • 50g ngải cứu.

Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu trên, sau đó đem đun cùng khoảng 4-5 lít nước. Sau khi nước sôi thì giữ lửa nhỏ thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp. Để nước bớt nóng thì bắt đầu xông cho tới khi cảm thấy đau nửa đầu giảm bớt.

Bài thuốc 3

 

Chuẩn bị:

  • 20g củ ráy dại.
  • 15g sắn dây hoặc dây đỗ ván.
  • 15g lá tía tô, 10g cúc hoa (hoặc 20g rau má).
  • 15g rễ và cây cúc tần (hoặc diếp cá).
  • 10g hoa kinh giới.

Cách thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu trên sắc với lượng nước vừa đủ. Sau đó lấy nước này uống chia ra ngày 2 lần.

III - Mẹo bấm huyệt trị đau nửa đầu nhanh chóng

Các mẹo xoa bóp và bấm huyệt trị đau nửa đầu được dân gian lưu truyền đã được sử dụng từ lâu, có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng, thư giãn tinh thần, rất có lợi trong việc giảm đau nửa đầu.

1. Các vị trí bấm huyệt giúp giảm đau nửa đầu

  • Huyệt thái xung: Huyệt thái xung ở vị trí giữa ngón chân cái và ngón chân bên cạnh, nằm ở vùng lõm giữa hai ngón chân này.
  • Huyệt hợp cốc: Đây là huyệt nằm vị trí ở giữa hai ngón tay trỏ và cái, nhưng có hơi lệch và ngón trỏ. Cụ thể, khi khép hai ngón tay này lại với nhau thì điểm cuối giữa hai khe chính là huyệt hợp cốc.
  • Huyệt ấn đường: Nằm ở phần chính giữa của hai đầu lông mày, thẳng hàng với sống mũi.
  • Huyệt thiên trụ: Đây là huyệt nằm ở vị trí sau gáy, giữa tai, cách cột sống khoảng 1,5 cm.

2. Cách thực hiện

Việc day ấn, bấm huyệt được thực hiện theo cách sau:

  • Xác định chính xác các vị trí huyệt Thái xung, Hợp cốc, Ấn đường, Thiên trụ.
  • Lần lượt dùng tay ấn nhẹ nhàng vào những huyệt trên khoảng từ 15 đến 20 phút.
  • Thực hiện mỗi ngày từ 1 đến 2 lần.

IV - Chữa đau nửa đầu tại nhà bằng phương pháp dân gian cần lưu ý điều gì?

Khi áp dụng các cách trị đau nửa đầu bằng dân gian, người bệnh cần lưu ý:

  • Các cách này không thể đem lại hiệu quả nhanh mà cần phải áp dụng trong một khoảng thời gian, cần thực hiện hàng ngày để có thể cảm nhận được hiệu quả.
  • Việc kết hợp nhiều cách chữa dân gian với nhau đôi khi có thể làm giảm hiệu quả, vì vậy người bệnh cần cân nhắc.
  • Bên cạnh việc áp dụng các cách trị đau nửa đầu dân gian này, người bệnh cũng cần xây dựng cho bản thân một chế độ sinh hoạt khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để bị stress kéo dài.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết, để bản thân không bị rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất sức.
  • Nên cân nhắc tới việc thăm khám tại các cơ sở y tế và sử dụng thuốc nếu các cách trị theo dân gian không đem lại hiệu quả, đau đầu ngày càng trầm trọng hơn.

Có thể thấy, các cách trị đau nửa đầu bằng dân gian tuy an toàn, không gây tác dụng phụ lại không tốn kém nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì thực hiện mới có thể đem lại hiệu quả. Đây cũng là những phương pháp truyền miệng và chưa hề được kiểm chứng khoa học. Chính vì vậy, khi áp dụng các phương pháp dân gian này không đem lại hiệu quả, người bệnh nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

DS. Nguyễn Hiền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //