Xôn xao chuyện đào được cổ vật nghi là đồng đen có giá nhiều tỉ đồng

17-05-2017 16:02:03

Trong lúc thi công đường giao thông, người lái máy xúc đã đào được 3 hiện vật nghi là đồ cổ được làm từ đồng đen có giá nhiều tỉ đồng. Hiện vật đã được công an thu giữ.

Hiện vật nghi là đồng đen?

Người dân xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang bàn tán xôn xao trước thông tin, một người lái máy xúc trong lúc đào đất làm đường đã tìm thấy 3 hiện vật nghi là đồ cổ quý hiếm.

Sự việc càng gây được sự chú ý khi những hiện vật trên được tìm thấy ngay cạnh ngôi đền bà Chúa Chè (tại địa bàn xóm 1, xã Hạnh Lâm) linh thiêng.

Hiện vật nghi là đồ cổ đang được công an huyện Thanh Chương thu giữ (Ảnh người dân cung cấp)

Một người dân cho biết: “Ba hiện vật gồm 1 chiếc Hồ lô Bát tiên, 2 con rùa. Tất cả đều được làm bằng đồng và vàng. Chúng tôi nghi đó là đồng đen và giá trị phải nhiều tỷ đồng”.

Được biết, sự việc bắt đầu xôn xao từ sáng ngày 16/5. Vào thời điểm trên, người dân tình cờ biết được thông tin, một thầy cúng trong xã Hạnh Lâm đã mua được 3 hiện vật với giá 9 triệu đồng.

Thông tin được báo đến chính quyền xã và ngay lập tức lực lượng công an xã Hạnh Lâm đã đến tiến hành lập biên bản và thu giữ lại hiện vật. Ngay sau đó, người dân trong vùng đã kéo đến xem hiện vật rất đông. Nhiều lời đồn thổi ma mị cũng bắt đầu xuất hiện.

Cổ vật... là trò lừa đảo

Trao đổi với ông Phạm Văn Hùng – Trưởng công an xã Hạnh Lâm, ông Hùng xác nhận, có sự việc một thầy cúng đã mua 3 hiện vật nghi là đồ cổ và đã bị thu lại để bàn giao cho công an huyện vào chiều ngày 16/5.

“Chúng tôi nghi ngờ đây là vụ lừa đảo. Tôi đã kiểm tra rất kỹ và thấy hiện vật rất nhẹ và chắc chắn không phải làm bằng đồng. Vào cuộc xác minh, những công nhân đang thi công làm đường khẳng định không hề đào thấy hiện vật. Như vậy, nguồn gốc của hiện vật không phải do lái máy xúc đào được như lời đồn thổi.

Ngoài ra, một người dân tại xóm 5, xã Hạnh Lâm cho biết, trước đó 5 ngày anh đã được một người nói giọng miền Bắc chào bán mấy món đồ cổ trên với giá... 3 triệu đồng”, ông Hùng cho hay.

Đền bà Chúa Chè, nơi được cho là tìm thấy hiện vật

Dù nghi là đồ giả do một nhóm lừa đảo “đạo diễn” nhưng vì chưa chắc chắn nên công an xã Hạnh Lâm vẫn lập biên bản và bàn giao hiện vật cho công an huyện Thanh Chương.

“Nếu xác minh hiện vật không phải là đồ cổ, chúng tôi sẽ sớm bàn giao lại cho người đã mua”, ông Hùng nói.

Theo hình ảnh được người dân cung cấp cho PV Đời sống Plus, 3 hiện vật nghi là đồ cổ nói trên đã từng xuất hiện rất nhiều trong các vụ lừa đảo trên cả nước.

Cụ thể, vào năm 2016, công an huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đã bắt giữ được nhóm lừa đảo bán cổ vật giả cho người dân. Tang vật thu giữ cũng là chiếc Hồ lô Bát tiên và 2 con cóc ngậm tiền. Ở tỉnh Đắk Lắk, công an cũng bắt giữ được nhóm lừa đảo cùng những món “đồ cổ” như trên…

Một "cổ vật"  giả của đối tượng lừa đảo bị thu giữ 

Có trường hợp người dân bị lừa và tưởng là đồ cổ nên sau đó đã rao bán chiếc hồ lô với giá... 10 tỷ nhưng sau khi các chuyên gia đến nơi tìm hiểu và biết đó là đồ giả cố, trên thị trường bán nhan nhản loại này với giá khoảng 1 triệu đồng.

Tại các tỉnh miền Tây, có thời điểm nạn lừa đảo này hoành hành khiến chính quyền phải liên tục cảnh báo để người dân không bị lừa.

Qua lời kể của người dân xã Hạnh Lâm, phương thức lừa đảo cũng giống như những vụ đã diễn ra ở Đắk Lắk, Quảng Nam… trước đó.

Kịch bản như sau: Một người tự nhận là công nhân hoặc lái máy đang thi công làm đường, làm cống. Trong quá trình thi công vô tình đào được đồ cổ và mang bán.

"Cổ vật" này được bán nhan nhản và có giá khoảng 1 triệu đồng

Riêng vụ việc ở xã Hạnh Lâm, “cổ vật” lại được cho là đào thấy tại đền bà Chú Chè nên ai cũng tin.

Đến thời điểm này, công an huyện Thanh Chương vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc này. Tuy nhiên, "cổ vật" và kịch bản "tìm thấy cổ vật" tại xã Hạnh Lâm rất giống kịch bản của bọn lừa đảo trước đó đã thực hiện tại nhiều tỉnh thành nên người dân cần tỉnh táo để tránh “mắc bẫy” của bọn lừa đảo.

PV
Theo Đời sống Plus //