Xét xử vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Tiết lộ sự thật gây sốc
Liên quan đến vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết tiết lộ sự thật gây sốc về nguyên nhân gây ra thảm họa y tế nghiêm trọng.
Các bị cáo hầu tòa phiên xét xử vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong. Bị cáo Quốc ngoài cùng bên phải tại tòa. Ảnh Vietnamnet
Trong ngày thứ 3 xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án hình sự xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, các LS đã làm rõ nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của BV và công ty Thiên Sơn.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, LS Lê Văn Thiệp hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc công ty Trâm Anh) về việc bàn giao thiết bị sau sửa chữa. Quốc trình bày, lâu nay chỉ làm việc với công ty Thiên Sơn, do đó báo lại cho công ty này, còn việc Thiên Sơn bàn giao cho ai trong BV thì không biết, Vietnamnet đưa tin.
“Sau sửa chữa, mọi thứ sẽ lành như trước có đúng không?”, LS Thiệp hỏi. Quốc trả lời, nếu chạm đến màng lọc sẽ cần có chứng nhận AAMI, khi đảm bảo mới bàn giao lại cho Thiên Sơn.
Quốc cũng xác nhận lại lời khai trước đó 1 ngày rằng ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc công ty Thiên Sơn nói có thể lấy xét nghiệm sau vì cần 10-15 ngày mới có kết quả trong khi bệnh nhân nhiều, không thể chờ.
- Khi báo cáo xem xét, bị cáo đề xuất thay cả 4 màng lọc RO. Nếu thay cả 4 màng thì có cần dùng axit sục sửa hay chỉ cần khử trùng?
- Đúng. Nếu thay cả 4 màng lọc thì không cần dùng axit để sục rửa 2 màng cũ.
- Công ty Trâm Anh báo giá cho Thiên Sơn hơn 49 triệu đồng là giá thay 2 màng lọc, vậy nếu thay cả 4 màng lọc thì bao nhiêu?
- (Bị cáo tính toán một lúc): Thêm khoảng10-12 triệu đồng nữa.
- Tức nếu thêm 12 triệu nữa là cứu được 8 mạng người. Rất rẻ, chỉ khoảng 1,5 triệu/người.
Quốc cũng thừa nhận, không biết việc công ty Thiên Sơn bán lại 100% gói thầu cho mình là vi phạm luật Đấu thầu (theo đúng quy định, không được bán cho nhà thầu phụ quá 10% gói thầu).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau phiên xét xử, LS Nguyễn Danh Huế cho biết Công văn số 93 khẳng định việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng gói thầu là vi phạm pháp luật. Theo đó, điều 89 Luật Đấu thầu quy định rõ nhà thầu không được chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên.
"Trong trường hợp này, Công ty Thiên Sơn sau khi ký hợp đồng vào ngày 25/5/2017 với BVĐK tỉnh Hòa Bình, cùng ngày đã chuyển 100% giá trị thầu để hưởng phần chênh lệch.
Cụ thể, gói thầu Công ty Thiên Sơn ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình có giá trị gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh thì báo giá chỉ hơn 40 triệu đồng. Đây là hành vi trái pháp luật" - LS Huế khẳng định và cho rằng có khuất tất cần làm rõ. "Hành vi chuyển nhượng thầu của Công ty Thiên Sơn đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, cụ thể ở đây là có 8 người tử vong.
Tuy nhiên, trong Công văn 93 nói rằng chưa đến mức truy cứu hình sự, chỉ xem xét cấm đấu thầu. Vấn đề phải làm rõ trách nhiệm hình sự" - LS Huế kiến nghị.
LS Hoàng Ngọc Biên bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương tập trung làm rõ việc liên kết giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn trong việc lắp đặt hệ thống máy chạy thận. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Đỗ Đình Vận cho biết đơn vị này thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010. Thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong chạy thận.
Ông Vận cho biết được ông Trương Quý Dương, thời điểm đó là giám đốc bệnh viện, thông báo về việc liên kết nhưng không nói rõ nội dung. "Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hằng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng" - ông Vận nói.
LS Biên tiếp tục công bố hồ sơ tài liệu thể hiện việc BVĐK tỉnh Hòa Bình được chia lợi nhuận trong việc chạy thận. Cụ thể, tỉ lệ chia lợi nhuận giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn là 90%-10%. Tức là Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật. Ông Vận tái khẳng định không nắm được thông tin này.
Một số LS tham gia bào chữa kiến nghị HĐXX xem xét triệu tập ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Vật tư - Thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình, để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. LS Đỗ Quốc Quyền (Đoàn LS TP Hà Nội) đại diện cho ông Trương Quý Dương vắng mặt trong phiên tòa ngày 17/5.
Trước đó, trả lời thẩm vấn, bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục khẳng định không được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên thận nhân tạo, chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm quản lý.
Theo bác sĩ Lương, sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO sau quá trình sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của y - bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo. Bác sĩ Lương khai khi đến bệnh viện vào ngày 29/5/2017, không nhận được bất kỳ cảnh báo nào của bên sửa chữa cũng như lãnh đạo bệnh viện liên quan đến thiết bị chạy thận.
Xem thêm: Xét xử vụ 8 người sốc khi chạy thận: Lộ nhiều tình tiết quan trọng