Xe máy vượt xe buýt đúng khúc cua, 3 người thoát chết trong gang tấc
Camera hành trình quay cảnh xe máy chở 3 người liều mình vượt xe buýt đúng khúc cua, đâm vào xe máy chạy ngược chiều khiến người xem rùng mình.
Sáng ngày 25/4, tài khoản Facebook Phuc Truong đã đăng tải một video clip và 2 hình ảnh ghi lại một vụ tai nạn giao thông ở Quảng Ngãi thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Theo đó, một xe máy chở 3 người đã liều lĩnh vượt xe buýt ở khúc cua và đã đâm trực diện vào xe ngược chiều khiến các nạn nhân văng khỏi xe. May mắn, đã không ai bị xe buýt cán lên người.
Đoạn clip thót tim trước sự vượt ẩu của xe máy. Nguồn: Phuc Truong
Theo nội dung đoạn clip, vụ việc xảy ra vào khoảng 16h35 ngày 24/4. Trên đoạn đường núi, xe máy chở 3 người phóng nhanh "bạt mạng", đến khúc cua thì quyết định vượt ẩu lên trên xe buýt tuyến Tp. Quảng Ngãi - Sơn Hà - Sơn Tây.
Vượt ẩu thiếu quan sát trên đoạn đường cua hẹp, xe máy này va chạm cực mạnh với xe máy chạy ngược chiều, cả 3 người trên xe ngã vào gầm xe buýt nhưng may mắn thoát chết nhờ tài xế xe buýt phanh kịp thời.
Trên mạng xã hội, cư dân mạng thể hiện sự búc xúc với sự coi thường an toàn giao thông của tài xế xe máy. Bạn Nguyen Anh bình luận: "Thua. Xe máy chạy bạt mạng. Đường cong mà cũng vượt trái được".
Tài khoản Thanh Binh Phan bức xúc: "Chạy khúc đầu thấy ẩu rồi. Tưởng chạy giỏi lắm. Bất cần mà". Bạn Khang Ngọ cho hay: "Vượt láo thế oan cho người ta".
Màn thoát chết thần kì sau khi vượt ẩu. Ảnh: Phuc Truong
Quả thực, vấn đề xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, chở ba như trong vụ việc trên xảy ra khá phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67,) trong rất nhiều những nguyên nhân để xảy ra tai nạn giao thông thì nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, đi lấn đường, tránh vượt sai quy định. Có đến 70% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy gây ra.
Hiện nay, chuyện phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, lạng lách đánh võng là chuyện phổ biến đến mức “bình thường”. Nhiều người trẻ coi phóng nhanh, lạng lách là thể hiện bản lĩnh. Họ còn bỏ phanh trong các cuộc đua với tốc độ lớn như là sự thể hiện “chí trai”. Họ coi thường cả tính mạng của mình và người khác.
Để “văn hóa giao thông” trở thành thói quen, thành máu thịt thì chế tài phải nghiêm sẽ giúp cho định hình những thói quen, thành nếp văn hóa. Hành vi xấu, vi phạm không ai nói, không ai xử thì lại trở thành thói quen. Đó chính là con đường luẩn quẩn làm cho văn hóa giao thông của ta rất khó thành nếp sống.