Vụ thuốc ung thư làm từ bột than tre: Ai cấp phép, ai thổi phồng?
6 sản phẩm Công ty TNHH Hồng An Phong (tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) được cấp phép mỹ phẩm nhưng bị phát hiện sản xuất từ bột than tre, quảng cáo thổi phồng hỗ trợ điều trị ung thư.
Vụ thuốc ung thư làm từ bột than tre: Ai cấp phép, ai thổi phồng?
Khó hiểu việc cấp phép?
Ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Công ty TNHH Hồng An Phong (tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) có hồ sơ gửi Sở Y tế xin chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm gồm Vinaca Vi5, Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng và Vinaca đa dụng.
Ở đây có một sự khó hiểu: Sản phẩm của công ty xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng tên sản phẩm cũng như phần thành phần, công dụng khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc hay thực phẩm chức năng.
Ngay trên trang thông tin của doanh nghiệp http://vinaca.vn/, sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 được quảng cáo: “Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư số 1 thế giới”. Ngay trong phần hướng dẫn sử dụng cũng ghi rõ: Thành phần tinh chất nano carbon, tinh chất nghệ nano, cao sắc… Công dụng: Hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng… Đây là sản phẩm dạng viên uống.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dược chia sẻ: Trong phần ghi công dụng, sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 nêu hàng loạt tác dụng. Ngay cả thực phẩm chức năng cũng không được sử dụng từ "hỗ trợ điều trị" trong phần giới thiệu công dụng, nếu không có nghiên cứu lâm sàng. Trong khi đó, những sản phẩm này được đăng ký là mỹ phẩm!?
Cũng theo vị chuyên gia này, mỹ phẩm là dùng để bôi bên ngoài da, nhưng những sản phẩm được cơ quan chức năng phát hiện lạ ở dạng viên, sản phẩm dùng qua uống thì không thể là mỹ phẩm. Hơn nữa, chính tên sản phẩm đã gây hiểu lầm, khó hiểu cho người tiêu dùng: Mỹ phẩm lại mang tên thuốc ung thư, dạng bào chế?
Vậy mà sở vẫn cấp phép là mỹ phẩm thì đúng là giết người. Dạng bào chế và công dụng như nêu trong thành phần nếu đăng ký phải là thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép cho các công dụng theo quy định pháp luật và theo hồ sơ chứng minh công dụng.
Đang xem xét!
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sơn, những doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm được quyền công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, sở chỉ cấp giấy chứng nhận trên hồ sơ doanh nghiệp cung cấp. Về việc doanh nghiệp tự đặt tên là “Vinaca ung thư CO3.2”, là cách doanh nghiệp đặt tên gọi cho sản của mình, luật không cấm.
Lợi dụng việc đặt tên, Công ty ty TNHH Vinaca đã lập lờ rằng đây là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư, rồi lấy than tre đóng gói thành viên thuốc hỗ trợ chữa bệnh ung thư, bán ra thị trường.
Sự thực là 6 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là hóa mỹ phẩm (không phải thực phẩm chức năng) cho Công ty Hồng An Phong (huyện An Dương), nhưng công ty này không sản xuất các sản phẩm mà chỉ thực hiện mỗi công đoạn đốt tre, nứa, gỗ để cung cấp tro cho Công ty TNHH Vinaca (quận Kiến An).
Công ty Vinaca không những sản xuất các sản phẩm được cấp chứng nhận cho Công ty Hồng An Phong (các sản phẩm hóa mỹ phẩm) mà còn sản xuất thực phẩm chức năng (Vinaca CO3.2 ung thư) và giới thiệu là thực phẩm hỗ trợ chữa bệnh ung thư.
Vậy tại sao cơ quan quản lý lại cấp giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm, các thuốc này có loại dùng tẩy da, có loại dùng nhỏ mũi, có loại... chữa ung thư. Hoá mỹ phẩm cũng có thể chữa ung thư ư?
Ngày 11.4, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Đơn vị này đã có văn bản chỉ đạo làm rõ vụ việc. Đến ngày 14.4 tới sẽ có báo cáo cụ thể.
Trong lúc chờ báo cáo và làm rõ sự việc, Cục Quản lý dược chưa đưa ra thêm ý kiến gì.
Xem thêm: Bên Trong xưởng sản xuất Thuốc chữa ung thư làm từ bột than tre và tác hại của nó