Vụ hắt dầu nhớt vào phản thịt ở chợ Hải Phòng: Tại anh, tại ả, tại cả... con lợn!
"Trong kinh doanh, buôn bán, việc dùng tiểu xảo, thủ đoạn là chuyện không tránh khỏi. Có điều, nó ở mức nào và có chấp nhận được hay không thôi".
Dư luận lại đang thể hiện sự phẫn nộ ghê gớm khi xem clip và những hình ảnh đang ngập tràn trên mạng ghi lại nội dung chị Xuyến, một tiểu thương, quê ở huyện ngoại thành bị 2 đối tượng là bán thịt lợn cùng chợ Lương Văn Can (Ngô Quyền, Hải Phòng) hất thùng nước thải vào người và phản thịt của chị.
Nguyên nhân được cho là, vì thời gian qua giá lợn rẻ nên xót của, chị Xuyến đã tự giết mổ, mang lợn của nhà mình đến chợ bán với mức giá thấp chỉ gần bằng một nửa mức giá chung của chợ.
Khi xem bức ảnh chị Xuyến tội nghiệp ngồi nghệt mặt thẫn thờ đầy cam chịu, quần áo bị dính bẩn bởi chất thải, cả phản thịt lợn ê hề trước mặt bị dính bẩn, bản thân tôi cũng hết sức phẫn nộ trước hành động của 2 người đàn bà kia.
Dù biết rằng hành động của họ diễn ra trong chợ, mà chốn "chợ búa" vốn đã phức tạp, từ trước tới nay luôn được ngầm hiểu là nơi không thể đòi hỏi sự lịch thiệp, nho nhã, văn minh như bên ngoài xã hội, nhưng chắc chắn, không ai có thể bênh vực hành vi côn đồ, xâm phạm trắng trợn thân thể, tài sản của người khác như vậy.
Thậm chí, đó còn là hành vi vi phạm pháp luật, cần được nghiêm trị. Ở một xã hội thượng tôn pháp luật, những hành động trên không bao giờ được dung túng, bênh vực. Chưa kể, nạn nhân lại yếu thế hơn hẳn so với các đối tượng gây hấn kia.
Song, nói đi cũng phải nói lại. Chính vì chốn "chợ búa" là nơi đầy phức tạp nên những người sinh hoạt, buôn bán trong đó cũng phải có những luật bất thành văn riêng, để mọi người tuân theo, như một thứ trật tự.
Muốn nắm bắt diễn biến thị trường, các bà mẹ, ông bố thường hỏi giá thịt ở chợ hôm nay thế nào? Giá thịt ở siêu thị ra sao? Nghĩa là, chúng ta luôn mặc định, giá các mặt hàng chất lượng, hình thức tương đối giống nhau ở từng khu vực thường ở mức sêm sêm nhau, chênh lệch không đáng kể.
Trong buôn bán, kinh doanh, các cụ nhà ta còn có câu "buôn có bạn, bán có phường", với hàm ý việc buôn bán muốn thuận lợi, không phải chỉ tụ hợp, kết bè nhau lại để dễ gây chú ý, dễ buôn bán hơn, mà đây còn là cách để cùng "nhìn nhau mà bán".
Anh ngồi đầu chợ không thể bán cái giá "dưới đất", khi ở giữa chợ, các tiểu thương khác đang bán cái giá "trên trời". Và ngược lại! Các hộ còn lại không sợ anh ở đầu chợ hút hết khách (đó chỉ là một phần), mà còn lo lắng bởi cách làm ăn vô lối, bừa bãi, theo hứng chí cá nhân ấy sẽ gây hoang mang cho khách hàng. Chính điều đó sẽ gây thiệt hại chung cho các hộ kinh doanh khác. Đó là về lâu dài.
Còn trước mắt, nhìn một cá nhân tự tách hàng, bán phá giá và đang hút nghìn nghịt khách hàng, dù thực tế chất lượng mặt hàng không hơn của các hộ kia là mấy, trong khi những người còn lại không ai hỏi han, ngó ngàng, về tâm lý, chắc chắn những người còn lại sẽ khó lòng chấp nhận được.
Khi đã không chấp nhận được, nhẹ thì họ phải góp ý, thương lượng với nhau, để đưa về mức giá chung. Nếu không được, họ phải dùng các biện pháp mạnh khác. Trong kinh doanh, buôn bán, việc dùng tiểu xảo, thủ đoạn là chuyện không tránh khỏi. Có điều, nó ở mức nào và có chấp nhận được hay không thôi.
Trong trường hợp này, chị Xuyến và những người bênh vực chị suy nghĩ rằng: vì lợn nhà chị nuôi, gian hàng của chị trước đó cũng bán đồ khác, nay chị mang lợn nhà mình đến bán thì giá rẻ hơn là bình thường. Đó là cách nghĩ đúng, nhưng chưa thật sự hợp lý. Đôi khi, không hẳn cứ đúng là được chấp nhận.
Các hộ chuyên kinh doanh thịt lợn kia đang bán với giá 80.000-90.000 đồng/1kg, tự nhiên chị mang lợn (chẳng biết có đúng của nhà chị nuôi hay không) đến, bán với giá 40.000-50.000 đồng/kg, trong khi chất lượng chỉ ngang nhau, đương nhiên, người mua sẽ dồn hết về phía nhà chị rồi.
Theo tìm hiểu, được biết, trước khi có hành động vô phép kia, 2 tiểu thương đã gọi chị ra nói chuyện và còn dùng những lời nhắc nhở, dọa dẫm. Nhưng, chị Xuyến đã mặc kệ, không thuận theo ý họ, vẫn hành động theo suy nghĩ của mình.
Đương nhiên, hành động của chị Xuyến không sai. Song, thực tế, hai kẻ hành hung kia cũng không phải quá vô lý. Họ đã cảnh báo, bày tỏ thái độ rõ ràng trước khi hành động. Đương nhiên, là dân buôn bán, chúng ta không thể đòi hỏi họ phải nói năng, khuyên nhủ nhẹ nhàng như bác sĩ tâm lý được.
Vấn đề là, lẽ ra, trước phản ứng của các tiểu thương kia, chị Xuyến nên tìm cách khác hợp lý, uyển chuyển hơn. Có thể chị gửi luôn số thịt của mình cho các hộ chuyên bán thịt lợn kia bán giúp. Có thể chị bán buôn toàn bộ số lợn ấy với giá hợp lý cho các tiểu thương kia, để mình quay về bán mặt hàng truyền thống của mình.
Chắc chắn, thiệt hại của chị không quá lớn với cách làm ấy. Nhưng, đáng tiếc, chị lại chọn cách bán phá giá, để được mục đích cá nhân của mình, mặc kệ sự bực bội, tức tối của các tiểu thương cùng chợ.
Nghe nói, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, 2 người phụ nữ có hành vi xâm phạm thân thể, tài sản người khác kia chắc chắn sẽ bị xử lý thích đáng. Đó là bài học cho họ về hành vi ứng xử của mình, đồng thời, là một sự cảnh báo rằng, dù ở bất cứ đâu vẫn phải tuân theo pháp luật.
Nhưng, chị Xuyến, chắc chắn nếu xét kỹ, nhiều người cũng dành cho chị những lời trách cứ, đáng tiếc kiểu "giá như": Giá như chị khéo léo hơn. Giá như chị nhún nhường một chút. Giá như chị đừng chỉ nghĩ cho riêng vài con lợn nhà mình. Giá chị cứ bán giá sêm sêm như các tiểu thương khác, có phải...?
Viết đến đây, tự nhiên tôi lại thấy, trong vụ việc này, không chỉ " tại anh, tại ả" mà còn tại cả CON LỢN nữa! Giá như thịt lợn đừng hạ quá. Giá như người dân đừng adua hò nhau nuôi một cách thiếu tính toán như thế.
Giá như cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, đề ra những chiến lược, định hướng, tư vấn kịp thời cho người nông dân, thì làm gì có những cuộc giải cứu và những chuyện ầm ĩ lẽ ra không đáng có thế này...
*Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.