Vụ bắt xin lỗi “vong linh” kẻ giết người hàng loạt: Bản án tuyên không đúng pháp luật!
Mới đây, Báo Gia đình Việt Nam đã có đơn kháng cáo lại phán quyết phiên tòa sơ thẩm lần 2 của TAND Cầu Giấy trong vụ bắt xin lỗi “vong linh” kẻ giết người hàng loạt.
“Phản bác” bản án của tòa án Cầu Giấy
Trước đó, xuất phát từ thông tin được đăng tải lan tràn trên các báo điện tử, các mạng xã hội về việc tử tù Bùi Đức Lợi (SN 1979, trú thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), một kẻ giết người hàng loạt bị TAND tỉnh Quảng Ninh và TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử tử hình lại "hiện hồn về kêu oan", gây hoang mang dư luận.
Ngay sau đó, Báo Gia đình Việt Nam đã cử phóng viên làm rõ vụ việc. Và loạt bài với tiêu đề “Sự thật chuyện tử tù phạm trọng tội hiếp dâm và giết người hàng loạt kêu oan” được đăng tải trên một ấn phẩm của Báo đã thể hiện rõ “sự thật” rằng: Tòa án cấp phúc thẩm đã đình chỉ xem xét tội danh Hiếp dâm, chỉ xét tội Giết người (tử hình) và Cướp tài sản (12 năm) của Bùi Đức Lợi.
Công an dựng lại hiện trường vụ án giết 3 mẹ con chị Duân
Tuy nhiên với người mẹ tử tù Bùi Đức Lợi là bà Nguyễn Thị Mùi thay vì thấy lỗi lầm của con như thế cần phải sống “tu tâm tích đức”, nhưng đằng này bà quay ra kiện báo Gia đình Việt Nam về việc “Yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại” đến Toà án nhân dân quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội)
Khi nắm bắt được sự việc, TAND quận Cầu Giấy đã bác đơn kiện của bà Mùi, vì kiện cáo thiếu cơ sở, tuy nhiên, khi bà Mùi kiện cả TAND Cầu Giấy đến TAND Hà Nội, thì TAND Cầu Giấy phải xử lại.
Điều bất ngờ là, ngày 22/9/2017 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam và Tổng biên tập Báo phải xin lỗi độc giả, bà Mùi và gia đình cùng vong linh người chết (?!).
Trước phán quyết của TAND Cầu Giấy tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, Báo Gia đình Việt Nam đang tiến hành kháng cáo lên toà cấp trên để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình, đồng thời cũng bảo vệ hành lang tác nghiệp hợp pháp của báo giới trong tuyên truyền đấu tranh với cái xấu, cái ác, các tệ nạn xã hội.
Bản án sơ thẩm lần 2 ngày 22/9/2017 của Tòa án Cầu Giấy
Trong đơn kháng cáo, lý do được Báo Gia đình Việt Nam đưa ra là do bản án dân sự sơ thẩm Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy được tuyên dựa trên việc áp dụng không đúng các quy định pháp luật. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ gây thiệt hại cho bị đơn là Báo Gia đình Việt Nam.
Trong nội dung thứ nhất của bản án dân sự sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã tuyên: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam và Tổng biên tập Báo Gia đình Việt Nam phải xin lỗi độc giả và bà Mùi cùng gia đình bà và vong linh người chết”.
Về việc này, Báo Gia Đình Việt Nam khẳng định: Không có hành vi thông tin không đúng sự thật, vi phạm các quy định của Luật báo chí 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật báo chí như Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy nhận định trong Bản án dân sự sơ thẩm. Cụ thể:
Những nội dung mà Báo Gia đình Việt Nam đã đưa tin liên quan đến tử tù Bùi Đức Lợi hoàn toàn là những thông tin được trích dẫn từ các tài liệu điều tra của cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát, các thông tin được công khai bởi các cơ quan tố tụng.
Báo Gia đình Việt Nam đã tuân thủ nghiêm quy định về nhiệm vụ và chức năng của báo chí: “1- Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; 4- Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”.
Mặt khác, việc đăng ảnh của bà Nguyễn Thị Mùi trong các bài viết trên Báo Gia đình Việt Nam được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và luật báo chí hiện hành. Không có hành vi chụp lén, hay có mục đích bôi nhọ làm xấu đi hình ảnh, danh dự, uy tín và nhân phẩm như lời bà Mùi khai trong các phiên tòa xét xử.
Trong những ngày diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm: ngày 30/08, ngày 12/9, ngày 14/9 và ngày 22/9, tại phiên tòa diễn ra ngày 22/09/2017, nhà báo Phạm Ngọc Dương - người trực tiếp thực hiện việc chụp hình và viết bài về tử tù Bùi Đức Lợi của Báo Gia đình Việt Nam được triệu tập với tư cách người làm chứng của vụ án - đã khẳng định: Việc chụp hình được thực hiện bằng máy ảnh chuyên nghiệp, tại nhà riêng của bà Mùi vào khoảng 20h đến 21h tối, trong điều kiện ánh sáng yếu (trời tối, đèn điện có khả năng chiếu sáng kém), đèn flash được sử dụng, bà Mùi đứng cầm tờ đơn nhìn trực tiếp vào ống kính máy ảnh nhà báo Phạm Ngọc Dương cũng khẳng định: đã chụp nhiều bức ảnh chứ không phải một bức ảnh duy nhất, bên cạnh đó, tại thời điểm được chụp hình, bà Mùi không thể hiện sự phản đối hay không đồng ý về việc phóng viên tác nghiệp.
Cho nên, việc bà Mùi khai trước tòa phóng viên chụp lén không biết phóng viên là nam hay nữ là không đúng, lời khai tại các phiên tòa vào các thời điểm không thống nhất, là gian dối. Tuy nhiên trước phần trả lời rõ ràng, chi tiết của nhà báo Phạm Ngọc Dương, bà Mùi đã không thể đối đáp, trả lời được. Hiện nay, nhà báo Phạm Ngọc Dương vẫn lưu trữ các hình ảnh này.
Việc báo đăng hình ảnh bà Nguyễn Thị Mùi cũng không nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bà. Do đó, Báo Gia đình Việt Nam không vi phạm điều cấm của pháp luật báo chí: “3. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó. 4. Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó.
Đối với tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật thì cơ quan báo chí thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này (Điều 5 Nghị đinh 51/2002/NĐ-CP ngày 26.04.2002 của Chính Phủ).
“Đăng hình ảnh người được phỏng vấn là một nghiệp vụ bình thường…”
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc công ty Luật TNHH Everest (Đoàn Luật sư Hà Nội) để bạn đọc thông tin khách quan, cái nhìn đa chiều về sự việc.
Luật sư Phạm Ngọc Minh viện dẫn: Khoản 2 Điều 31 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”.
Bộ luật Dân sự năm 2005, tại Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ: “2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”; Luật Báo chí năm 1989, sửa đổi, bổ sung năm 1999 quy định rõ: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân…”. Việc Báo Gia đình Việt Nam đăng hình ảnh của người được phỏng vấn là một nghiệp vụ bình thường để thực hiện các nhiệm vụ của báo chí xuất phát từ “lợi ích công cộng”.
Luật sư Phạm Ngọc Minh nêu ý kiến nhận định: "Nếu bà Nguyễn Thị Mùi có ý kiến về việc Báo Gia đình Việt Nam đăng tin chưa đúng, bà Mùi có thể khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để xem xét lại. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cải chính lại trên báo chí, chính vì vậy Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy căn cứ vào yêu cầu của bà Nguyễn Thị Mùi, yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam cải chính lại là không có căn cứ pháp luật.
Việc Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy kết luận Báo Gia đình Việt Nam vi phạm quy định của Luật Báo chí, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành dựa trên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 507/QĐ-XPHC của Bộ Thông tin và Truyền thông là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật”.
Luật sư Phạm Ngọc Minh chỉ rõ: Chưa kể đến những hậu quả, hệ lụy nếu Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy kết luận hành vi đăng tin, đăng ảnh của bà Nguyễn Thị Mùi là vi phạm pháp luật và chấp thuận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Mùi, buộc Báo Gia đình Việt Nam phải đăng tin cải chính. Việc xin phép được chụp hình cá nhân trong mọi trường hợp (kể cả trường hợp vì mục đích công cộng) sẽ ngăn cản quyền tự do báo chí, hạn chế việc đưa tin, phóng sự của phóng viên, đồng thời nhiều cá nhân/tổ chức có khả năng sẽ lợi dụng các quy định, tiền lệ này để chuộc lợi, mong nổi tiếng hoặc được bồi thường".
Trước thực tế trên, Báo Gia đình Việt Nam đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm để tránh gây tiền lệ xấu cho các cơ quan báo chí, sự công bằng xã hội và tính thượng tôn pháp luật.
Quyết định yêu cầu của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy không có căn cứ, không đúng theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Theo Luật sư Phạm Ngọc Minh phân tích: Tại Điều 3 Phần I Nghị quyết 03/2006/HĐTPTANDTC ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại. Vì vậy yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Nguyễn Thị Mùi là không có căn cứ bởi: • Không có thiệt hại xảy ra: Thông tin về vụ việc Bùi Đức Lợi đã gây ra các tội ác dã man: cướp, giết người đã được thông tin trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, việc Báo Gia đình Việt Nam đăng tin chỉ nhằm làm rõ những thông tin chưa rõ ràng trong dư luận xã hội hiện tại, chứ không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh sự của bà Nguyễn Thị Mùi, cũng không làm xấu đi tình trạng của bà Mùi. Không có bằng chứng nào chứng minh cụ thể việc người khác biết bà Mùi là mẹ ruột của Bùi Đức Lợi, hay Bùi Đức Lợi chỉ phạm tội giết người, cướp của với thông tin Bùi Đức Lợi phạm tội hiếp dâm làm bà Nguyễn Thị Mùi bị giảm sút thêm hoặc mất thêm uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… • Bản thân Bùi Đức lợi là kẻ giết người cướp của với những tình tiết đặc biệt dã man và bất cứ ai khi biết được các thông tin đều cảm thấy rùng mình và ghê tởm. • Không có hành vi trái pháp luật: Báo gia đình Việt Nam không đưa thông tin sai sự thật, không cố tình kết tội và bôi nhọ Bùi Đức Lợi cũng như làm xấu đi hình ảnh, danh dự , uy tín của bà Nguyễn Thị Mùi và gia đình; không đăng hình ảnh của bà Nguyễn Thị Mùi trái pháp luật (như đã phân tích ở trên); • Không có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật: Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Mùi không đưa ra được các chứng cứ chứng minh những thiệt hại xảy ra đối với bà Nguyễn Thị Mùi là kết quả tất yếu của hành vi Báo Gia đình Việt Nam đăng bài và ngược lại hành vi của Báo Gia đình Việt Nam đăng bài gây ra thiệt hại cho bà Nguyễn Thị Mùi. |
Xem thêm: Bắt khẩn cấp người giúp việc "tung hứng" bé 2 tháng tuổi