Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Lộ tỉ lệ ăn chia giữa bệnh viện và công ty

18-05-2018 08:00:14

Trong phiên xử 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, luật sư nêu rõ về tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện ĐK Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn trong việc thuê máy chạy thận.


Bị cáo trong phiên xử vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong chiều 17/5. Ảnh VNE

Chiều 17/5, trong phiên toà xét xử ba người liên quan sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 bệnh nhân tử vong, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đề nghị được hỏi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, người trực tiếp điều tra vụ án.

Ông Biên cho rằng, kết quả khám nghiệm lúc 19h ngày 29/5/2017 cho thấy hiện trường bị xáo trộn. Các quả lọc trong máy chạy thận bị tháo ra. "Không biết cơ quan điều tra đã thu bao nhiêu quả lọc, các quả lọc trong kho có bị thu giữ cùng thời điểm đó không?”, Vnexpress đẫn câu hỏi của luật sư.

Trả lời trước toà, điều tra viên Nghĩa cho rằng, việc thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan vụ án được thực hiện “đúng quy định pháp luật". Điều này được thể hiện trong hồ sơ của vụ án.

Luật sư Biên tiếp tục hỏi về tư cách tố tụng của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, khi làm việc với cơ quan điều tra vào ngày 15/8/2017. Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cho biết, ông Dương được mời đến cơ quan công an với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và điều này đã giải thích rõ khi làm việc.

Tiếp lời luật sư đồng nghiệp, ông Nguyễn Danh Huế cho rằng, ngày 8/1, Công an tỉnh Hoà Bình có công văn gửi sang Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này khẳng định việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng 100% gói thầu tại bệnh viện sang cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Vậy vì sao Công an tỉnh Hoà Bình chỉ kiến nghị cấm đấu thầu với Công ty Thiên Sơn chứ không xử lý hình sự?

Chủ tọa phiên toà cho rằng, việc kí biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan cơ quan điều tra, không thuộc thẩm quyền của điều tra viên nên không thể trả lời. Điều tra viên Nghĩa cũng im lặng và trở về chỗ ngồi, kết thúc phần xét hỏi.

Tuy nhiên, đáp lời luật sư, đại diện Công ty Thiên Sơn khẳng định, không có việc chuyển hợp đồng cho Công ty Trâm Anh. Việc ký hợp đồng với công ty Trâm Anh chỉ là để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Đáng chú ý, luật sư hỏi ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình (đại diện cho Ban lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình) về việc có biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình liên kết để thuê máy chạy thận hay không?, Dân trí đưa tin.

Ông Vận cho biết, bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010, thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận.

Tại thời điểm đó, theo lời ông Vận, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) không thông báo cho ông Vận được biết các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn.

"Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hàng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng" - ông Đỗ Đình Vận nói.

Tiếp đó, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn: "Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật".

Ông Đỗ Đình Vận khẳng định mình chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, còn tỷ lệ phần trăm như thế nào ông không nắm được. Luật sư tiếp tục công bố thông tin có trong hồ sơ: "Số tiền bên Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/1 ca chạy thận".

Về việc này, ông Vận khẳng định không được ông Trương Quý Dương phổ biến và cũng chưa được nghe bao giờ.

Ngày hôm nay 18/5 tòa tiếp tục làm việc.


Xét xử vụ 8 người sốc khi chạy thận: Lộ nhiều tình tiết quan trọng

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //