Vỡ hụi tiền tỷ ở Hà Nội: Góp 200 triệu cụ bà nhận lại 239 nghìn đồng

18-12-2017 06:17:03

Dành dụm, chắt chiu cả đời người được hơn 200 triệu bà Mượn đem chơi phường. Nào ngờ bà đau đớn nhận lại chỉ vẻn vẹn 239 nghìn đồng, số còn lại mất trắng.


 Vỡ hụi tiền tỷ ở Hà Nội, cụ bà 88 tuổi khóc nấc bởi nguy cơ mất số tiền lớn

Vụ vỡ hụi gần chục tỷ đồng do chị Quách Thị P. (SN 1981, ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) làm chủ đã khiến cuộc sống của hàng trăm người dân điêu đứn. Từ người trẻ cho đến cụ già, tất cả đều bị P. lừa. Cơn "bão" hụi quét qua, khiến thôn Châu Mai xơ xác, buồn não nề.

Trong số các nạn nhân của P., bà Hoàng Thị Mượn (88 tuổi, ở xã Liên Châu) là trường hợp đáng thương hơn cả. Nhà bà Mượn xưa nay vốn chẳng dư giả gì. Tuổi cao sức yếu, cả một đời dành dụm, bà Mượn mới có được số tiền 200 triệu. Thế nhưng, số tiền đó giờ đã bị P. "móc" mất.

Trò chuyện với PV, bà Mượn khóc nghẹn khi nhắc đến số tiền lớn đã góp "phường” chỗ chị P. nhưng đến giờ có thể khẳng định đã mất bởi nhiều ngày qua, P. biệt tăm cùng số tiền lên đến chục tỷ.


Cụ bà 88 tuổi khóc nấc khi bị vỡ hụi hơn 200 triệu

Bà Mượn bảo, “tôi vừa sang nhà nó (tức chị P.) bảo trả đỡ cho cụ ít tiền để cụ ăn tiêu hàng ngày nhưng nó bảo trong túi chỉ còn từng này rồi móc ra đưa tôi 239 nghìn đồng. Cầm số tiền trên mà tôi ứa nước mắt, dù không đáng là bao nhưng tôi cũng phải lấy để có tiền ăn”.


Cụ bà 88 tuổi khóc nấc khi nhắc về số tiền chơi hụi

Bà Mượn nói rằng, để có được từng ấy tiền, bà phải tích cóp trong nhiều năm liền, cộng với tiền con cháu mừng tuổi Tết. Ngoài ra, bà còn tích cóp từ việc bán mớ rau mớ cỏ chắt chiu từng đồng, ăn không dám ăn, cái áo mới cũng chẳng dám mua... Tất cả để dành dụm lúc tuổi già dưỡng bệnh.


Góp hụi hơn 200 triệu nhưng giờ bà Mượn đau đớn nhận lại 239 nghìn đồng

“Ông nhà tôi mất có để lại cho tôi một khoản tiền nhỏ để dưỡng già. Sau đó, đám tang, có bao nhiêu tiền phúng viếng, con cháu cũng đưa tôi giữ hết. Cộng cả tiền tôi đi bán rau 2 năm trời cũng được 120 triệu đồng tôi đều đưa cho cô P., để đóng phường. Chưa kể, tiền con cháu tôi mừng tuổi mấy năm được 80 triệu đồng cô ấy cũng vay nốt”, bà Mượn nói trong nước mắt.


Cụ bà 88 tuổi hái rau ra chợ bán chắt chiu từng đồng

Theo bà Mượn, chồng mất, bà ở một mình 15 năm nay. Hàng ngày, bà hái rau ra chợ bán, ngày nhiều thì được 20 nghìn đồng, ngày ít cũng được 10 nghìn đồng. Được đồng nào là bà tích cóp vào rồi góp vào chơi “phường” nào ngờ đâu giờ đây mất trắng.

“Thấy nó rủ chơi phường để lấy đồng lãi dưỡng già thì tôi cũng nghe nào ngờ đâu giờ tôi dưỡng chết như thế này đây”, bà Mượn khóc nấc lên.

Qua tìm hiểm được biết, thời gian đầu khi mới rủ mọi người tham gia góp tiền chơi hụi, P. thanh toàn rất đầy đủ, lãi suất cao.

Vì ham tiền nên người này bảo người kia để "gửi nhờ cô P." mong kiếm thêm đồng lãi. Thế nhưng, sau đó P. bắt đầu khất nợ. Nhiều người nhận thấy "bất an" nên đã tìm đến nhà P. để đòi.  Thế nhưng, đáp lại chỉ là những lời hứa hẹn, khất lần và cuối cùng thì P. cáo ốm và đi đâu không ai biết.

Mới đây P. đã trở về nhà nhưng cô cũng chẳng còn tiền để trả lại cho mọi người. Người được xem là "may mắn" như bà Mượn cũng chỉ đòi được... 239 nghìn/hơn 200 triệu P. đang cầm. Đa số đành ngậm bồ hòn làm ngọt. 


Hàng ngày bà Mượn phải hái rau ra chợ bán từ 4 đến 5h sáng


Mỗi rổ rau đầy to bà Mượn bán được từ 10 đến 20 nghìn đồng


Tích cóp tiền bán rau hàng ngày kèm theo tiền con cháu mừng tuổi và ông nhà mất để lại bà Mượn đem góp chơi phường để lấy lãi ăn lúc tuổi già


Nào ngờ đâu số tiền trên giờ nguy cơ mất trắng, bà Mượn mất ăn mất ngủ. Bà chỉ mong muốn cơ quan pháp luật vào cuộc nhanh chóng để cho bà cũng như những người dân sớm lấy lại được số tiền đã góp

Theo thống kê ban đầu, số tiền P. đã "ôm" của người dân là hơn 8 tỷ đồng. Đây chỉ là con số ước tính bởi ở xã Liên Châu, P. đã nổi tiếng và là người cầm đâu các hội, phường từ rất lâu.

Chia tay Liên Châu, chúng tôi vẫn còn ám ảnh mãi bởi những giọt nước mắt của bà Mượn. Đáng ra ở tuổi này, bà được an nhàn cùng con, cùng cháu. Số tiền hơn 200 triệu nếu gửi vào ngân hàng cũng giúp bà có đồng ra đồng vào an dưỡng tuổi già.

Thế nhưng, giờ bà Mượn hoàn toàn trắng tay. Ngày ngày, bà lại phải trông vào vườn rau để kiếm từng đồng bạc lẻ, sống đạm bạc qua ngày.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //