Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm sán chó ở tim thứ 2
Nang sán chó bám trên cơ tim của nữ bệnh nhân 75 tuổi. Theo các bác sĩ, tại Việt Nam, đây là trường hợp thứ 2 được ghi nhận.
Hình ảnh sán thu được qua kính hiển vi. Ảnh: BVCC/Báo Vnexpress.
Ngày 27/2, theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn đã tiếp nhận và điều trị trường hợp nhiễm sán chó ở tim rất hiếm gặp.
Cụ thể, Bệnh nhân là bà P.T.B. (75 tuổi, Quảng Nam). Hơn một năm nay, bà B. cảm thấy khó thở, mệt nhiều khi gắng sức nên đi khám ở khắp các bệnh viện từ Quảng Nam đến TP.HCM, trong đó, có các bệnh viện chuyên khoa về tim và truyền nhiễm.
Các bệnh viện nhận định bà B. có nang to chèn ép ở cơ tim, khiến cho tim giảm khả năng co bóp. Tình trạng này gây ra các triệu chứng giống như suy tim. Bệnh nhân cũng được xét nghiệm ký sinh trùng nhưng kết quả âm tính.
Khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ tiến hành chụp MRI, hội chẩn để tiến tới quyết định phải phẫu thuật bóc tách nang ở tim của bà cụ. Ca phẫu thuật diễn ra 3 giờ, khối nang nằm ở tâm thất trái của tim được lấy ra trọn vẹn, kích thước khoảng 4 cm, đầy sán và dịch bên trong vỏ bọc.
Khối nang sán được chuyển sang Đại học Y Dược TP HCM để xét nghiệm. Trao đổi với PV Báo Vnexpress, TS. BS Trần Thị Huệ Vân, Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết khi nhận được khối nang, sán ở bên trong vẫn còn sống, kết quả định danh là sán dây chó thuộc giống Echinococcus.
Theo bác sĩ Vân, bệnh nhân mắc bệnh khi ăn uống thực phẩm bị nhiễm trứng sán hoặc tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Người nuôi chó có nguy cơ nhiễm sán dây chó cao hơn bình thường đến 21 lần.
Nang sán ở tim rất hiếm gặp. Bệnh nhân có thể đã nhiễm nhiều năm mà không biết. Tại Việt Nam, đây là trường hợp thứ 2 được ghi nhận. Ca trước đó được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Để phòng ngừa nhiễm sán dây chó, người dân cần cắt đường lây truyền bằng cách không cho chó ăn các phủ tạng chưa được nấu chín, giám sát các lò mổ súc vật, rửa tay trước khi ăn, rửa kỹ rau sống.
Người nuôi chó và thú cưng không cho chó liếm mặt và tay, rửa tay với xà phòng sau khi ôm vật nuôi, không để chó đi tiêu bừa bãi, tẩy sán cho chó một quý/lần.