Vì sao tiêm vaccine Covid-19 vẫn nhiễm bệnh?
Sau khi 22 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhiễm virus SARS-CoV-2 - dù đã tiêm vaccine, nhiều người dân lo ngại việc, vì sao đã tiêm vaccine mà vẫn không tránh được bệnh?
Các bác sĩ cho biết, việc tiêm vaccine phải cần thời gian để tạo kháng thể. Ảnh: Bạch Dương
Trả lời vấn đề này, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vaccine chưa thể phát huy ngay, mà nó cần thời gian (mỗi loại vaccine có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.
"Bên cạnh đó, những người được tiêm vaccine Covid-19 đủ mũi, đủ thời gian, vẫn có thể bị mắc Covid-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh", BS Hùng nói.
BS Lê Quốc Hùng cho biết, vaccine là một loại thuốc rất khác so với những loại thuốc chữa bệnh thông thường. Đối với những loại thuốc thông thường, chỉ tác dụng với người sử dụng thuốc thì đối với vaccine, không chỉ người tiêm phòng được phòng tránh bệnh, mà người xung quanh người được tiêm vaccine cũng được bảo vệ.
"Ví dụ, một bác sĩ có cha mẹ già ở nhà. Nếu cha mẹ già chỉ ở nhà thì không thể nào họ bị nhiễm Covid-19 được. Tuy nhiên, người con là bác sĩ, mỗi ngày đi làm việc ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân và có thể mang mầm bệnh về nhà lây cho cha mẹ. Nếu người bác sĩ được chích vaccine thì tránh được nguy cơ mắc bệnh, không mang virus về nhà. Do đó, dù cha mẹ vị bác sĩ này không được chích ngừa, nhưng vẫn được bảo vệ khỏi virus", BS Hùng giải thích.
BS Hùng khẳng định, trong cộng đồng, nếu được tiêm vaccine Covid-19 đồng loạt với tỷ lệ vào khoảng 70-80% thì cũng có nghĩa là đã có thể bảo vệ được cả cộng đồng mắc Covid-19.
BS Trương Hữu Khanh (khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: "Từ xưa đến nay, không có vaccine nào tạo miễn dịch 100% và ngay lập tức, vì còn phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của mỗi người. Giá trị chính của vaccine là tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng. Nếu ai cũng chích, ai cũng có miễn dịch 70% chẳng hạn, thì mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng đó sẽ nhanh chóng bị ngăn chặn vì quá khó lây, có chăng cũng chỉ một vài ca lẻ tẻ, tức là không sao hết".
Lợi ích của tiêm vaccine là phòng ngừa, giảm diễn tiến nặng và hạn chế lây bệnh ra xung quanh. Ảnh: Bạch Dương
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng phân tích, việc tiêm vaccine không phải là yếu tố quyết định toàn bộ các vấn đề. Bất cứ một loại thuốc hay một loại vaccine nào thì hiệu quả của nó cũng chỉ dao động vào khoảng 75% - 95%, có nghĩa là 100 người được tiêm vaccine, thì chỉ có 70-95 người có thể được phòng ngừa.
Còn lại từ 5-25 người, mặc dù đã được tiêm ngừa rồi nhưng vẫn có thể bị nhiễm bệnh, do bản thân mỗi người có một lượng kháng thể khác nhau sau khi được tiêm vaccine.
Chính vì thế, để phòng chống bệnh Covid-19 hiệu quả, bên cạnh đẩy nhanh việc tiêm vaccine trong cộng đồng, cần kết hợp chặt chẽ biện pháp 5K của Bộ Y tế. "Vaccine ra đời để kết hợp với 5K, giúp chúng ta đủ sức khống chế dịch bệnh để giao thương chứ không phải tiêm vaccine là để thay thế cho 5K", BS Khanh nhấn mạnh.