Vì sao TAND cấp cao hoãn xử vụ mua bán 'logo xe vua'?
TAND cấp cao tại TP.HCM hoãn xử phiên tòa phúc thẩm vụ mua bán 'logo xe vua' đối với 6/10 bị cáo phạm tội 'đưa hối lộ', 'môi giới hối lộ' kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Thanh Niên
Theo Người Đưa Tin, sáng 23/7, TAND cấp cao tại TP.HCM hoãn xử phiên tòa phúc thẩm vụ án "mua bán logo xe vua" đối với 6/10 bị cáo phạm tội 'đưa hối lộ', 'môi giới hối lộ' kháng cáo. Cụ thể, TAND cấp cao tại TP.HCM hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án trên theo đề nghị của luật sư. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 30/7.
Đây là vụ án “mua bán logo xe vua” cho khoảng 15.000 lượt ô tô, thu bất chính hàng chục tỷ đồng, do Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệt phá vào tháng 8/2015.
Vụ án còn liên quan đến 79 CSGT, TTGT bị "tố" nhận hối lộ nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do 79 CSGT, TTGT không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Có 1 CSGT nhận tội, nhưng bị xét xử về tội “môi giới hối lộ”.
Trước đó, ngày 4/10/2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Văn Thới 14 năm tù và Lê Thị Cẩm Vân 9 năm tù cùng về tội “đưa hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) 8 năm tù về tội “môi giới hối lộ”. 7 bị cáo đồng phạm giúp sức Thới, Vân “đưa hối lộ” bị tuyên 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) đến 10 năm tù.
Vụ án có 6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân không kháng cáo chấp nhận bản án 8 năm tù do TAND TP.HCM tuyên.
Theo cáo trạng, từ tháng 1/2014 - 8/2015, các bị cáo cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên những tuyến đường thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM góp tiền đưa hối lộ để không bị xử phạt khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Các bị cáo đã chi gần 6 tỉ đồng để đưa hối lộ cho Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) và 79 cán bộ CSGT, TTGT (bao gồm cả bị cáo Chân) trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Cụ thể, Thới tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô" để bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo thu về trên 22,7 tỉ đồng.
Trong đó, Thới sử dụng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ 79 lần cho CSGT, TTGT, mỗi lần đưa từ 9 - 150 triệu đồng. Vân in logo chữ “xe chở hàng”, “ông mặt trời” bán cho chủ xe, thu về hơn 7,9 tỉ đồng và sử dụng 627 triệu đồng để đưa hối lộ cho các CSGT, TTGT, với lần đưa ít nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Thanh Niên cho hay, sau 2 năm điều tra vụ án, trong 10 bị cáo bị đưa ra xét xử thì chỉ duy nhất Nguyễn Cảnh Chân từng là CSGT, do bị cáo này thừa nhận đã "cầm" của Thới hơn 1,2 tỉ đồng (nhận qua chuyển khoản ngân hàng - PV), trong đó Chân giữ lại 300 triệu đồng tiêu xài cá nhân, còn lại đưa cấp trên nhằm bảo kê xe chở quá tải cho nhóm của Thới. Tuy nhiên, do “sếp” của Chân không thừa nhận nên bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với số tiền Thới đưa.
Đối với 79 cán bộ CSGT, TTGT liên quan, cơ quan điều tra (CQĐT) nhận định lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau về các khoản tiền đưa hối lộ được liệt kê. Qua kiểm tra điện thoại thu giữ của các bị cáo, có những số điện thoại các bị cáo liên lạc là của CSGT, TTGT mà CQĐT đang xác minh, làm rõ. Điều đó thể hiện lời khai của các bị cáo về mối quan hệ đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT là có căn cứ.
Tuy nhiên, theo CQĐT, đa số các cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận tiền của các bị cáo để bảo kê xe quá tải. Dù có lời khai của các bị cáo và tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ, nhưng tất cả chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất và không có tài liệu khác chứng minh. Do đó, CQĐT chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của 79 CSGT, TTGT theo lời khai của các bị cáo.