Vì sao nhạc thô tục, phản cảm… vẫn còn “đất” sống?
Mặc dù từng bị chỉ trích gay gắt nhưng nhạc thô tục, phản cảm… vẫn tồn tại trên nhiều trang nhạc trực tuyến, vì sao vậy?
Nhạc thô tục đang thách thức dư luận?
Mới đây, MV ca nhạc “Mẩy thật mẩy” do BigDaddy sáng tác lại tiếp tục khới lại câu chuyện về âm nhạc có ca từ dung tục, nhạy cảm… từng gây tranh cãi gay gắt. Theo đó, ca khúc có chủ đề cổ suý phẫu thuật thẩm mỹ này không chỉ gây “nhột” ngay từ tựa đề mà còn chứa nội dung lẫn ca từ hết sức nhạy cảm.
Hình ảnh 18+ trong MV "Mẩy thật mẩy" gây tranh cãi cùng ca từ và nội dung bài hát.
Những cụm từ: “Em thích đàn ông phải nhắm thẳng vào chỗ nở nở, nang nang…”, “Thương em chảy dãi một khi em lột đồ…”, “Anh thích ngắm những bộ loa ú nẩy thật nẩy”, “Anh thích ngắm những bàn tọa ú mẩy thật mẩy”… đã khiến nhiều người bàn tán không ngớt trên các diễn đàn.
Nhiều người cho rằng, họ không hiểu vì sao vẫn tồn tại những bài hát vô nghĩa với những ca từ nhạy cảm và trần trụi tới mức đó. Từ đầu đến cuối, bài hát không mang đến bất kỳ một giá trị thẩm mỹ nào mà chỉ toàn chuyện thô tục. Thậm chí, có khán giả còn nặng nề chỉ trích: “Nhạc giờ sạn và đục quá. Chuyện hở hang và tục tĩu trở nên bình thường trong các MV”, “Giới nhạc rap ra bài hát, 90% ca từ không chửi, nhạy cảm thì cũng vô nghĩa... được mấy bài nghe ra hồn đâu”...
Thực tế, đây không phải là câu chuyện quá mới trong làng nhạc nhiều năm trở lại đây. Trước đây, hàng loạt ca khúc tương tự như: “Xếp hình”, “Thu dẩm”, “Như lời đồn”, “Nắng cực”, “Như cái lò”, “Bigcityboy”... cũng từng gây hoang mang và bức xúc trong dư luận.
Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi các thể loại âm nhạc này ngày càng nhan nhản trên các trang nghe nhạc trực tuyến và tiêm nhiễm vào con em họ những điều thiếu giá trị thẩm mỹ. Có người còn lo ngại, thể loại âm nhạc với những tựa đề, ca từ và nội dung thô tục, phản cảm, phi văn hoá này sẽ “đầu độc” cả một thế hệ trẻ và kéo nền âm nhạc nước nhà theo hướng “tầm thường hoá”.
Điều đáng nói là mặc dù bị dư luận phản ứng rất gay gắt nhưng cho đến nay “hiện tượng” này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người sáng tác trẻ vẫn đang cố tình đu bám vào thể loại âm nhạc này để “câu khách, câu viu” hoặc thể hiện sự ngông cuồng của mình.
Trong khi đó, thị trường âm nhạc trên mạng trực tuyến đang là một cái chợ bát nháo không hơn không kém. Ý thức của người làm nhạc đã có nhiều vấn đề, việc quản lý các sản phẩm âm nhạc “độc hại” này cũng ngày càng yếu kém. Nhiều người “thở dài” ngao ngán vì không biết nhạc Việt đang đi về đâu.
Đã đến lúc phải xử lý mạnh tay với nhạc thô tục?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đến ca từ, đến nội dung, đến ý nghĩa và đẹp đến cả cái tên… đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác là người “điêu khắc” nên cái đẹp đó.
Trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp… để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi đẹp và lối sống đẹp.
Đó là tôn chỉ rõ ràng của tôi khi sáng tác, khi làm nghề. Vì vậy, tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo “nghệ sĩ” mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa thì nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả”.
Nhạc sĩ Giáng Son cũng cho rằng: “Thực ra, việc đặt tên bài hát kiểu đó là một cách cố tình gây sốc nhằm hút sự chú ý của người nghe nhạc và sự chú ý của truyền thông nữa. Rõ ràng, ở đây, những người sáng tác trẻ biết sẽ tạo nên sự hiểu lầm nào đó cho người nghe nhưng vẫn cố tình đặt như vậy. Tất nhiên, trong số đó, cũng có một số ca khúc có giai điệu nghe được nhưng chính vì cách đặt tiêu đề như thế mà nó làm giảm đi giá trị của ca khúc.
Bản thân tôi là người sáng tác, tôi không đánh giá cao việc làm này. Thậm chí, nó dễ khiến những người trong giới thất vọng bởi ai làm nghệ thuật cũng mong muốn phải mang đến những gì đẹp đẽ, văn minh. Chúng tôi hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc nên luôn mong muốn thị trường âm nhạc có thật nhiều ca khúc trẻ trung, hiện đại nhưng phải đẹp về cả ca từ lẫn giai điệu”.
Theo nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ”, anh cảm thấy rất ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều ca khúc kiểu như: “Nắng cực”, “Xếp hình”, “Như cái lò”, “Như lời đồn”, “Mẩy thật mẩy”, “Thu dẩm”... và vẫn có một bộ phận người nghe nhạc tiêu khiển bằng loại nhạc đó.
“Nếu chúng ta cứ cười xuề xòa với những bài hát như: “Xếp hình”, “Nắng cực”, “Thu dẩm”” “Mẩy thật mẩy”… rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm suy diễn chứ tôi chẳng có ý gì” thì sớm muộn cũng sẽ nhan nhản có những bài tương tự. Những bài hát với những tựa đề và nội dung như thế tuyên truyền được điều gì cho giới trẻ? Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con?
Với tôi, đó chỉ là những bài nhạc chế của những đứa trẻ ngông thích thể hiện mình. Còn đã khoác chiếc áo nhạc sĩ lên người, hãy tôn trọng bản thân mình, tôn trọng khán giả yêu mến mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng chính chất xám và những tác phẩm của mình. Đừng để một phút bốc đồng của tuổi trẻ mà sau này nhìn lại sự nghiệp của mình rồi hối hận vì những vết đen không thể nào gột sạch.
Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT có những biện pháp cứng rắn hơn về việc phổ biến, phát hành những loại nhạc rác như thế. Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ cái tôi, cái bất mãn với cuộc sống thông qua những tác phẩm của mình nhưng phải có văn hóa (sạch sẽ), có trí tuệ (khéo léo) và có nghệ thuật (tinh tế). Cái đó là sự khác nhau giữa nghệ sĩ và trẻ trâu muốn làm nghệ sĩ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh