Công ty TNHH Phước An: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong khai thác tại Mỏ cát Thạch Đà?

16-01-2018 12:24:03

Chưa hoàn thiện thủ tục đã khai thác, có hiện tượng "đánh cắp” tài nguyên ngoài phạm vi cho phép... Đó là những gì đã và đang diễn ra tại Mỏ cát Thạch Đà - Mê Linh, Hà Nội do công ty TNHH Phước An làm chủ đầu tư.

Dự án đầu tư khai thác đất, cát đen làm vật liệu san lấp tại bãi ven sông Hồng, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội (hay còn gọi là Mỏ cát Thạch Đà) do Công ty TNHH Phước An (Công ty Phước An) làm chủ đầu tư.

Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Lô E2-12-1, E2-12-26, khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; văn phòng giao dịch tại Hà Nội số 46B, Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội, do ông Lê Văn Thắng làm Giám đốc.


Văn phòng Công ty Phước An tại Hà Nội

Tháng 8/2012, Công ty Phước An được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001104 để thực hiện dự án đầu tư khai thác đất, cát đen tại bãi ven sông Hồng với mục tiêu làm vật liệu san lấp, công suất khai thác 45.000 m3/năm.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội; diện tích sử dụng đất khoảng 9,24 ha; thời gian hoạt động của dự án là 12 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư; bắt đầu khai thác vào khoảng cuối quý II (tháng 6/2012) năm 2012.


Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Phước An.

Ngoài ra, nội dung trong Giấy chứng nhận đầu tư nêu trên cũng ghi rõ: “Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định. Trong quá trình thực hiện đầu tư và kinh doanh khai thác dự án.

Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật pháp liên quan; bố trí vốn tự có theo đúng đăng ký vốn góp, huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo đúng quy định của Pháp luật và tiến độ đăng ký đầu tư; tổ chức giám sát, đánh giá đầu tư và thực hiện chế độ báo cáo theo Nghị định 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính Phủ, Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội.

Nghiêm cấm thực hiện việc chuyển nhượng dự án và huy động vốn không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức để triển khai dự án; trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.”


Quyết định cấp phép khai thác khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội cho Công ty Phước An.   

Tiếp sau Giấy chứng nhận đầu tư, tháng 10/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 232/QĐ-STNMT-TNKS Về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa bàn xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội cho Công ty Phước An. 

Nội dung quyết định ghi rõ: Cho phép Công ty TNHH Phước An được khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa bàn xã Thạch Đà, huyện Mê Linh với một số nội dung cơ bản sau: Diện tích khu vực khai thác: 9,24 ha …;

Trữ lượng địa chất: 568 260 m3; Trữ lượng khai thác: 522 960 m3; Công suất khai thác: Năm xây dựng cơ bản: 35 000 m3/năm, Từ năm khai thác thứ 01 đến năm thứ 10: 45.000 m3/năm, Năm kết thúc khai thác: 37 960 m3/năm;

Phương pháp khai thác: khai thác lộ thiên, hệ thống khai thác theo lớp bằng vận tải trực tiếp bằng ô tô, đến cốt cao +4,5 m; Thời hạn khai thác: 12 năm, kể từ ngày ký Quyết định, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 01 năm.

Bên cạnh đó Quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cũng chỉ rõ trách nhiệm của Công ty Phước An.

Theo đó, Công ty TNHH Phước An có trách nhiệm: "Hoàn thiện đầy đủ các thủ tục để được ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật; Nộp lệ phí cấp phép khai thác …;

Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng địa chất trong diện tích khu vực được cấp Quyết định khai thác chậm nhất trong thời hạn 90 ngày kể từ khi có văn bản thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;...".

Đặc biệt, cũng tại quyết định này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh việc bắt đầu thực hiện khai thác khoáng sản (cát) của Công ty Phước An chỉ được thực hiện khi đã hoàn thành thủ tục pháp lý và một số nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Cụ thể, Quyết định nêu: Hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép này chỉ được phép tiến hành sau khi Công ty TNHH Phước An có Quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất, đã ký quỹ phục hồi môi trường, nộp thiết kế mỏ, kế hoạch khai thác, thông báo về Giám đốc điều hành mỏ cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.


Hợp đồng thuê đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội với Công ty Phước An.

Từ những cơ sở nêu trên, tháng 12/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội (do ông Nguyễn Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở làm đại diện) đã ký Hợp đồng thuê đất số 658/HĐTĐ đối với Công ty Phước An. Đến tháng 6/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành bàn giao mốc giới mỏ cho doanh nghiệp.


Hiện trường khai thác tại Mỏ cát Thạch Đà của Công ty Phước An

Ngay sau khi được các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh bàn giao mốc giới mỏ, Công ty Phước An đã bắt tay vào tiến hành khai thác; khoảng thời gian từ năm 2016 trở lại đây, quy mô cũng như mức độ khai thác ngày càng tăng.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, việc khai thác của Công ty Phước An từ khi được bàn giao mốc giới cho đến nay, diễn ra trong lúc các thủ tục bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật (đã được ghi rõ trong quyết định cấp phép khai thác) chưa được hoàn thiện.


Thiết bị khai thác sai quy định (máy hút cát có công suất lớn -hàng trăm m3/giờ) được Công ty Phước An đưa vào Mỏ cát Thạch Đà để tiến hành khai thác.

Hiện tại, ngoài việc khai thác bằng máy xúc và vận tải bằng ô tô, Công ty Phước An còn đưa thêm thiết bị hút cát có công suất lớn (hàng trăm m3/giờ) vào tiến hành khai thác.

Bên cạnh đó, do việc cắm mốc giới khai thác không được cố định, Công ty Phước An đã lợi dụng để khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ cho phép, có hiện tượng xâm lấn khai thác một số khu đất liền kề.

Đặc biệt, số sản phẩm có được từ việc xâm lấn khai thác này lại được Công ty Phước An bán cho đơn vị sản xuất gạch là Công ty Cổ phần Gốm xây dựng - Thương mại và Vận tải Hoàng Kim (hay còn gọi là Nhà máy gạch Hoàng Kim).


Vị trí có dấu hiệu khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ cho phép.

Việc vận chuyển, tẩu tán số sản phẩm có được từ việc “đánh cắp” tài nguyên để bán cho Nhà máy gạch Hoàng Kim diễn ra rầm rộ từ khoảng tháng 10/2017 trở lại đây. Nhất là vào những ngày cuối tuần, hàng trăm lượt xe vận tải lớn của Nhà máy gạch Hoàng Kim, liên tục ra vào khu vực khai thác mỏ của Công ty Phước An và vận chuyển đất - cát về thẳng nhà máy cách đó khoảng 01 km ...

Những hành vi trên của Công ty Phước An tại Mỏ cát Thạch Đà, đã và đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản, các quy định pháp luật liên quan khác,…


Xe tải vận chuyển đất - cát từ Mỏ cát Thạch Đà đến Nhà máy gạch Hoàng Kim

Có thể nói, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, hiện tượng vi phạm (vi phạm nghiêm trọng) trong khai thác mỏ nói chung và tại mỏ cát như Mỏ cát Thạch Đà nêu trên không còn là chuyện hiếm.

Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2017 đến nay UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ đạo đối với các cơ quan chuyên môn, các cấp lãnh đạo địa phương tăng cường công tác quản lý trong khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Mỏ cát Thạch Đà cho thấy công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, UBND huyện Mê Linh và một số cơ quan liên quan khác đang có sự buông lỏng, thiếu giám sát, quản lý địa bàn.

Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai, việc xử lý những vi phạm nghiêm trọng của Công ty Phước An tại Mỏ cát Thạch Đà sẽ được tiến hành như thế nào, câu trả lời xin dành cho UBND và các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo. 

Khánh Trình
Theo Đời sống Plus/GĐVN //