Vải thiều mất giá tại Bắc Giang và Hải Dương là tin thất thiệt

03-06-2018 16:33:55

Những ngày qua thông tin về việc vải thiều rớt giá, người dân phải đổ xuống sông gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên thông tin từ 2 địa phương trồng vải thiều lớn nhất miền Bắc là huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) đều khẳng định những thông tin trên là thất thiệt và không hề có chuyện vải thiều mất giá.

Được mùa, được giá vải tại huyện Thanh Hà - Hải Dương


Người dân thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đấy.Nguồn: Báo Tổ quốc

Đầu tháng 6 cũng là đầu mùa vải tại làng vải Thúy Lâm, Thanh Hà, bà con nông dân nơi đây đang tiến hành thu hoạch dần những trái vải đầu vụ.

Theo thông tin trên báo Tổ quốc, tại điểm thu mua vải của các thương lái vào sáng 2/6, không khí mua bán đang rất rộn ràng, háo hức. Không hề có chuyện người dân bán không được hay bị thương lái ép giá.

Theo thông tin người dân cho biết, vải năm nay được mùa, giá tuy không cao nhưng cũng không có chuyện 3.000 đồng/kg. Giá chúng bán sỉ cho thương lái tại gốc cũng phải 10.000 đồng/kg, nếu bán lẻ ra chợ ít nhất cũng 15.000 đồng - 18.000 đồng/kg.

Người dân này cũng cho biết thêm, đây mới chỉ là giá vải đầu vụ chứ nếu vào chính vụ thì sẽ cao hơn. Bởi, vải chính vụ thơm và ngon hơn vải đầu vụ. Đặc điểm của vải thiều Thanh Hà đó là cùi trong, tỷ lệ đường, xơ, bóc ra không rơi giọt nước.

Chia sẻ trên báo Tổ quốc, Nguyễn Văn Lực Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, làng Thúy Lâm (Thanh Hà) được xem là vựa vải của tỉnh Hải Dương với tổng diện tích trồng vải lên đến 4.000ha.

Trong đó, tổng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap đạt 1.000 ha, số vải này cơ bản được xuất đi nước ngoài.

Hiện nay, người trồng vải Thanh Hà đã thực hiện truy xuất nguồn gốc vải nên đã ngăn chặn được việc vải ở nơi khác trà trộn về để lấy thương hiệu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lực, tổng sản lượng mùa vải năm nay ước đạt khoảng 15.000 - 18.000 tấn vải sớm, khoảng 10.000 tấn vải chính vụ.

Năm nay cũng là năm đầu tiên huyện Thanh Hà tổ chức lễ hội vải thiều nhằm quảng bá thương hiệu lâu đời của vùng đất vải này. Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ bà con nông dân kết nối với một số chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ vải.


Niềm vui được mùa, được giá của người nông dân trồng vải tại Thanh Hà, Hải Dương. Nguồn: Báo Tổ quốc

Bắc Giang bác bỏ thông tin vải thiều xuống giá kỷ lục đầu mùa

Trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, ngày 2/6, UBND tỉnh Bắc Giang phát đi thông báo với nội dung bác bỏ thông tin vải thiều Bắc Giang xuống giá kỷ lục ngay đầu mùa. Tỉnh Bắc Giang khẳng định không có chuyện vải rẻ 10.000 đồng 3 kg, dân phải đổ xuống sông.

Theo thông tin trên báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Giá vải thiều như một số thông tin phản ánh trên mạng không đúng với thực tế, không có chuyện vải rớt giá".

Theo ông Bình, hiện tại mới là thời điểm thu hoạch vải sớm, năm nay vải được mùa, năng suất, sản lượng tăng mạnh so với năm ngoái. Giá vải cũng có phần thấp hơn một chút nhưng hiện tại vẫn giao động từ 12 - 20 nghìn đồng/kg, vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap thì giá ngoài 20 nghìn đồng/kg.

“Có một số điểm ghi nhận giá vải dưới 10 nghìn là số ít hộ gia đình hoặc vùng giáp với huyện Lục Ngạn họ trồng không nhiều, chăm sóc không kỹ lưỡng dẫn đến việc sâu cuống, quả vải không được đảm bảo nên giá thấp hơn”, ông Bình nói lý giải.


 


Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay, diện tích trồng vải thiều của tỉnh duy trì trên 28.000 ha (giảm gần 1.000 ha so với năm 2017).

Do thời tiết thuận lợi, vải thiều phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt các hộ dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nên sản lượng và chất lượng đạt cao nhất trong những năm gần đây.

Hiện sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ bình quân khoảng 1.200 tấn/ngày. Tính từ đầu vụ đến nay đã có khoảng trên 9.000 tấn vải được tiêu thụ, giá trị thu được ước đạt 170 tỷ đồng. Từ đầu vụ vải thiều sớm, tỉnh có khoảng 60 thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, với hơn 40 điểm cân hoạt động liên tục.


Xem thêm Clip: Bảo kê máy gặt ở Thanh Hóa: Chủ máy gặt từng bị đe dọa nhiều lần

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN //