Ủng hộ trào lưu anti vaccine là mẹ bỉm sữa có tội với chính con mình
Nhiều chuyên gia y tế đã phải lên tiếng cảnh tỉnh các bà mẹ bỉm sữa ủng hộ trào lưu anti vaccine thiếu cơ sở khoa học vì cho rằng “tiêm vaccine là có hại cho trẻ”.
Bùng phát trào lưu anti vaccine
Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ bỉm sữa đang rộ lên trào lưu anti vacccine, “nói không với vaccine”, “không tiêm vaccine cho trẻ”. Những người này cho rằng, hạn chế tiêm vaccine sẽ hạn chế nguy cơ trẻ mắc bệnh tự kỷ và kích thích hệ miễn dịch tự hoạt động, tự chống chọi với bệnh tật.
Một số mẹ bỉm sữa đang tẩy chay việc tiêm vaccine cho trẻ. Ảnh VietNamNet
Thậm chí, trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện nhiều fanpage ủng hộ lý lẽ “không tiêm vaccine”, “tiêm vaccine là có hại cho trẻ” với sự tham gia của hàng nghìn thành viên. Bên cạnh đó, càng diễn đàn này còn liên tục chia sẻ những phương thức chữa bệnh cho trẻ chưa qua kiểm chứng và tuyên bố “hiệu quả, an toàn hơn tiêm vaccine”.
Chẳng hạn, trên Facebook có một nhóm mở có tên gọi “Vaccine: Nên hay không?” với hơn 10.000 người tham gia đang hoạt động, hàng nghìn người tranh luận sau mỗi bài viết. Rất nhiều người trong nhóm bày tỏ sự hoang mang đặt câu hỏi: Liệu có nên tiêm vaccine cho trẻ không, dừng tiêm vaccine cho trẻ là đúng hay sai?
Để thuyết phục nhiều người tin vào thuyết “không tiêm vaccine cho trẻ”, nhiều bà mẹ bỉm sữa còn lấy lý do không con con tiêm vaccine vẫn khỏe mạnh hoặc cho con tiêm vaccine nhưng vẫn ốm đau triền miên làm cơ sở cho thuyết anti vaccine. Một số người thì tỏ ra băn khoăn: “Tôi vẫn cho con tiêm vaccine, nhưng thấy người ta nói đến tác hại của vaccine có lý quá, tôi đâm ra hoang mang”.
Đặc biệt, có không ít người tỏ thái độ rất cực đoan như Facebooker này: “Có những vaccine dùng thai nhi để nuôi virus, những mảnh bể DNA của thai nhi đó vào người mình có thể thay đổi DNA của mình và gây ung thư máu. Những chất bảo quản trong vaccine có thể gây viêm não và những tế bào khác trong cơ thể”.
Thậm chí dù không qua đào tạo nhưng nickname này vẫn hùng hồn tuyên bố: “vaccine dơ” và “học bác sĩ không có nghĩa là biết về vaccine nhiều, vì họ không có dạy về cái đó, trong trường y không có dạy về vaccine…”. Ý kiến này khiến nhiều sinh viên trường y, bác sĩ bức xúc, phản đối kịch liệt khi bị quy chụp bởi một người chưa từng học y như vậy.
Nhiều phụ huynh băn khoăn có nên tiêm vaccine cho trẻ không. Ảnh Dân Trí
Chuyên gia nói gì?
Trước thực trạng anti vaccine của một bộ phận phụ huynh hiện nay, nhiều bác sĩ chuyên khoa Nhi đã lên tiếng phản đối và cho rằng đằng sau việc lôi kéo nhiều người không tiêm vaccine cho trẻ là có động cơ, trong khi hậu quả để lại cho trẻ rất nguy hiểm.
Các bác sĩ lấy ví dụ, đầu tháng 7 này, khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có 6 trẻ phải duy trì sự sống bằng máy thở vì bệnh viêm não Nhật Bản. Trẻ có thể không bị căn bệnh này nếu được chích ngừa nhưng khi được hỏi về việc trẻ đã tiêm vaccine phòng bệnh hay chưa, đa số các phụ huynh đều lắc đầu.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM nhận định anti vaccine là một trào lưu nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Theo bác sĩ Hữu Khanh, trào lưu này xuất phát từ một vài người nổi tiếng có kiến thức, vị thế nhất định trong xã hội.
Tuy nhiên, tìm hiểu tận gốc thì trong gia đình họ có những vấn đề “bất ổn” khi người thân hoặc con cái mang những khiếm khuyết bẩm sinh. Họ luôn muốn “truy tìm” nguyên nhân gây ra những khiếm khuyết từ nhiều tác động khác nhau, do đó vaccine là thứ bị đưa lên “bàn cân” rồi bị “đổ thừa” một cách vô căn cứ.
Trong khi đó, những người ủng hộ việc không tiêm vaccine cho trẻ thường lùng sục các thông tin nghi ngờ về đặc tính của vaccine, những tác dụng không mong muốn của vaccine để tung thông tin nhằm tạo hiệu ứng theo ý của họ. Điều đó có thể kéo theo những thành phần khác, nhất là những phụ huynh đang bị dao động khi cho trẻ tiêm vaccine bị sốt nhiều, đau nhiều.
Không tiêm vaccine cho trẻ là đẩy con vào nguy cơ mắc dịch bệnh. Ảnh Infonet
Về các trường hợp không tiêm vaccine nhưng vẫn “sống khỏe”, bác sĩ Khanh cho biết có thể là do may mắn hoặc cộng đồng quanh họ đã được chích ngừa nên dịch bệnh không lưu hành. Tuy nhiên, nếu họ đến vùng có dịch thì khó tránh được nguy cơ nhiễm bệnh.
Đặc biệt, trong trường hợp trào lưu anti vaccine lan rộng, cộng đồng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm do tỷ lệ chủng ngừa không đạt được độ bao phủ để phòng bệnh. Dịch sởi tại Việt Nam vào năm 2014 là một điển hình.
Nguyên nhân của dịch cũng xuất phát từ trào lưu anti vaccine khi nhiều phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ của vaccine nên không đưa con đi chủng ngừa. Đến khi dịch bùng phát, cha mẹ mới cuống cuồng đưa con đi chích nhưng đã muộn. Cũng vì lý do này, các chuyên gia nhấn mạnh khi phụ huynh quay lưng lại vaccine thì đó sẽ là hành động mang tội với con trẻ.