Ứa nước mắt với lý do trường Nậm Ngà phải tổ chức khai giảng bên bờ suối
Ngôi trường nơi hàng trăm học sinh và các thầy cô giáo phải khai giảng ngay bên cạnh bờ suối rất khó khăn, học sinh phải đi bộ 4-5 tiếng mới tới lớp...
Trường Nậm Ngà phải tổ chức khai giảng năm học mới bên bờ suối.
Học sinh đi bộ 4-5 tiếng mới tới trường
Những hình ảnh hàng trăm học sinh và thầy cô giáo ở điểm trường Nậm Ngà, Xã Tà Tổng, (Mường Tè, Lai Châu) phải tổ chức khai giảng bên bờ suối trong ngày 5/9 đã khiến nhiều người không thể cầm lòng.
Người đăng tải những bức ảnh lay động đến triệu trái tim ấy chính là thầy Nguyễn Long Khánh - Hiệu trưởng phân hiệu Tiểu học & Trung học cơ sở bán trú Nậm Ngà, huyện Mường Tè.
Chia sẻ với PV, thầy Khánh cho biết, khi cả trường vừa thực hiện xong nghi thức chào cờ và biểu diễn được 3 tiết mục văn nghệ thì trời đổ cơn mưa buộc thầy phải cho học sinh, khách mời và thầy cô giáo kết thúc sớm để trú mưa.
Theo thầy Khánh, tại buổi lễ sáng nay có khoảng hơn 300 em học sinh và 40 cán bộ giáo viên, khách mời tham dự. Tính tổng học sinh của đơn vị trường Tiểu học bán trú Nậm Ngà thì có 315 học sinh còn đơn vị Trung học cơ sở có 243 học sinh.
Do trời mưa thầy và trò phải kết thúc khai giảng sớm
Hiện tại, có một số lớp 1,2 và 3 đi học nhờ tại các cơ sở khác và một số học sinh tham dự lễ khai giảng tại điểm trường chính ở trung tâm xã Tà Tổng nên sáng nay (5/9), không thể về hết để tham dự buổi lễ khai giảng được.
Nói về việc phải tố chức ở bãi bồi bên cạnh suối, thầy Khánh cho biết, do khuôn viên trường quá nhỏ, đợt lũ vừa rồi trường cũng bị ảnh hưởng nên chiều hôm trước, toàn thể thầy cô cùng học sinh đã xuống bờ suối bên cạnh dọn các tảng đá lớn, dùng cuốc san phẳng lấy mặt bằng để hôm nay ngồi dự lễ khai giảng.
Ngoài ra, thầy Khánh cũng cho biết, ba năm nay điểm trường bán trú Nậm Ngà đều tổ chức lễ khai giảng cho các học sinh bên bờ suối bởi diện tích sân trường quá hẹp không thể đủ số lượng cho học sinh ngồi được.
Trường có tất cả 12 phòng học tạm bợ, được xây dựng bằng gỗ, mái lợp tôn. Các nhà bán trú dành cho học sinh và thầy cô ở cũng không được xây dựng kiên cố.
Do sân trường rất nhỏ nên không thể tổ chức khai giảng buộc phải ra bờ suối.
"Đối với các em nhà xa phải đến trường từ hôm trước để sáng nay kịp dự lễ khai giảng. Nhà học sinh nào có điều kiện được gia đình đưa đi học bằng xe máy thì nhanh nhưng đối với các học sinh nhà nghèo các em phải đi bộ từ 4 - 5 tiếng mới tới trường.
Từ điểm trường về đến trung tâm xã Tà Tổng khoảng 40km nếu điều kiện thuận lợi đi xe máy hết khoảng 2 tiếng. Trước đây, khi chưa có điểm bán trú Nậm Ngà các thầy, cô giáo phải đi bộ từ 4 - 5 tiếng để tới bản dạy học cho các học sinh. Đặc biệt vào mùa mưa bão việc di chuyển đến trường của các học sinh vô cùng khó khăn, vất vả...", thầy Khánh tâm sự.
Các cấp chính quyền địa phương đang xây dựng một ngôi trường mới kiên cố, cách điểm trường Nậm Ngà đang hoat động khoảng 17 km, dự kiến hơn một năm nữa mới hoàn thiện. Sau khi xây dựng xong, các em học sinh sẽ phải chuyển ra đó học, ở bán trú. Trước mắt, thầy trò ở đây vẫn phải tiếp tục khắc phục khó khăn để giảng dạy, dù trang thiết bị chỉ được đáp ứng tối thiểu nhất.
Bờ suối là "chơi ngoại khóa"
Nói về những khó khăn của nhà trường, thầy Khánh nói rằng, khu vực bờ suối tổ chức lễ khai giảng sáng nay, ngày thường cũng là sân tập thể dục cho các học sinh. Đồng thời khu vực này cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại khoá của nhà trường diễn ra vào ngày thứ 4 hàng tuần. Cũng may còn có bờ suối để làm nơi sinh hoạt ngoại khóa cho thầy trò nơi đây.
Mùa khô, khu vực bờ suối cát bụi mù mịt nên nhà trường chỉ tận dụng để có thể sử dụng được nhưng mùa lũ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sử dụng được vì có thời điểm nước lên cao ngập khu vực hơn 1 mét nên không thể dùng được.
Phòng học của các em cũng chỉ là tạm bợ lợp mái tôn nắng xuyên cả vào lớp.
Tại điểm trường Nậm Ngà có 202 học sinh Trung học bán trú còn học sinh Tiểu học là hơn 100 em. Giáo viên trung học là 15 người còn tiểu học là 11 giáo viên và thầy Khánh đã có 12 năm gắn bó với điểm trường này.
Điểm trường bán trú Nậm Ngà là một trong những điểm khó khăn nhất của huyện Mường Tè. Trong đó, khó khăn chủ yếu về số lượng cán bộ giáo viên còn thiếu và trình độ dân trí trong khu vực thấp. 100% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì. Phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình vì đời sống còn nhiều vất vả.
Các em học sinh khi vào mùa nương, rẫy thường xuyên nghỉ học ở nhà để giúp đỡ gia đình. Không chỉ thế, giao thông đi lại rất là khó khăn khi từ điểm trường tới các bản và từ điểm trường đến uỷ ban xã quá xa xôi vất vả. Nhiều học sinh đã không đủ sức khỏe và kiên nhẫn để theo đuổi con chữ.
"Có những trường hợp học sinh nữ lớp 7,8 đã lập gia đình nên nhà trường phải cùng phối hợp với trưởng, phó bản cố gắng vận động các em đến trường học xong chương trình lớp 9. Vào mùa nương rẫy thầy cô giáo phải đi vận động vì các học sinh nghỉ học cả tuần giúp gia đình, chỉ có khoảng 70% các em học sinh đến trường.
Đây là lớp học thầy và trò tại điểm trường Nậm Ngà
Chia sẻ với PV, cán bộ ở Hội chữ thập đỏ huyện Mường Tè cho biết, điểm trường Nậm Ngà rất khó khăn. Bờ suối sáng nay các thầy cô và học sinh khai giảng cũng chính là sân chơi ngoại khóa dành cho các em học sinh. Kể cả khi bế giảng cũng chính tại bờ suối này.
"Năm ngoái đơn vị và nhà trường có tổ chức trung thu cho các em học sinh ở bờ suối, rất may chương trình đã xong, hôm sau trời đổ mưa và nước lũ dâng lên cao. Đường sá ở đây đi lại rất khó khăn, các thầy cô đi vào trường phải khênh xe máy qua suối", vị này cho biết.